Language:
Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả (Điều 207)
30/04/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

 

Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả xâm phạm sự độc quyền quản lý tài chính của Nhà nước thông qua việc phát hành tiền tệ. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả quy định tại Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015.

 

Chủ thể của tội phạm:

 

Chủ thể của tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.

 

Khách thể của tội phạm:

 

Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả xâm phạm sự độc quyền quản lý tài chính của Nhà nước thông qua việc phát hành tiền tệ. Đối tượng tác động của tội phạm này là tiền Việt Nam giả và ngoại tệ giả.

 

Mặt chủ quan của tội phạm:

 

Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội biết hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố tình thực hiện tội phạm.

 

Mặt khách quan của tội phạm:

 

Làm giả có thể là các hành vi sau: vẽ tiền giả; sao chụp, tạo bản in và in tiền giả; Tàng trữ là hành vi cất giấu tiền giả, bằng nhiều thủ đoạn khác nhau nhằm trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng; Vận chuyển, lưu hành là chuyển đi, tìm nguồn tiêu thụ, tìm cách tung tiền giả ra thị trường. Cụ thể"

 

Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả được thực hiện bằng một trong các hành vi sau:

 

(1) Làm tiền giả là hành vi làm giả bằng phương pháp vẽ, sao chụp, tạo bản in, in tiền giả…

 

(2) Tàng trữ tiền giả là hành vi cất giấu tiền giả ở một nơi nào đó (trong người, trong nhà, nơi làm việc…) không kể thời gian dài hay ngắn nhằm trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng;

 

(3) Vận chuyển tiền giả là di chuyển tiền giả từ địa điểm này đến địa điểm khác bằng bất kỳ phương tiện nào (mang theo người, xe máy, ôtô…)

 

(4) Lưu hành tiền giả là hành vi tìm nguồn tiêu thụ, mua bán, đưa tiền giả vào lưu thông trên thị trường.

 

Tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả được coi là hoàn thành từ thời điểm thực hiên một trong các hành vi nêu trên. Số lượng tiền giả nhiều hay ít chỉ ảnh hưởng đến việc xác định khung tăng nặng hình phạt đối với người phạm tội.

 

Hình phạt:

 

- Khung 1: Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm quy định người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.

 

- Khung 2: Phạt tù từ 05 năm đến 12 năm quy định phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng. 

 

- Khung 3: Phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên.

 

- Khung 4: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm đối với người chuẩn bị phạm tội này.

 

- Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

 

Điều 207. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả

1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338