Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thông qua việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ của mình do Hiến pháp quy định. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Chủ thể của các tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có thể là bất kì ai, họ có thể là người Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch. Người phạm tội có thể thực hiện tội phạm một mình hoặc có đồng phạm.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XXII Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Khách thể của tội phạm:
Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thông qua việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ của mình do Hiến pháp quy định.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Người phạm tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thực hiện hành vi do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Người phạm tội có thể vì động cơ, mục đích cũng khác nhau tuỳ thuộc vào hành vi lợi dụng quyền cụ thể và ý thức của người phạm tội xâm phạm đến lợi ích nào. Việc xác định động cơ, mục đích đối với tội phạm này là rất quan trọng vì nó là dấu hiệu để phân biệt với các hành vi tương tự nhưng nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân quy định tại Chương XIII Bộ luật Hình sự về Ccác tội xâm phạm an ninh quốc gia.
Mặt khách quan của tội phạm:
Quyền tự do dân chủ của công dân Việt Nam được quy định tại Điều 24, 25 Hiến pháp 2013. Cụ thể, công dân có các quyền tự do cơ bản sau: (1) Quyền tự do ngôn luận được hiểu là quyền của con người trong việc tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến của mình đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; (2) Quyền tự do báo chí là quyền của công dân được sáng tạo tác phẩm báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí; (3) Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tự do theo hoặc không theo một tôn giáo nào nhất định; (4) Quyền tự do hội họp được hiểu là quyền tự do họp nhóm để trao đổi ý kiến về các lĩnh vực và vấn đề nhất định; (5) Quyền tự do lập hội, tự do tổ chức ra các hội nhất định nhằm phục vụ sự tiến bộ và phát triển của xã hội; (6) Các quyền tự do dân chủ khác như quyền được bầu cử, quyền ứng cử, quyển khiếu nại, tố cáo… Các quyền tự do cơ bản trên được thực hiện theo nguyên tắc trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Trong đó, khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, công dân phải tuân thủ các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ chế độ xã hội, bảo vệ nhà nước và không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người khác.
Người thực hiện hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân có thể thực hiện một trong các hành vi như: lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Người phạm tội có hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tội giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Các quyền tự do, dân chủ nêu trên là những quyền cơ bản của con người được Hiến pháp ghi nhận và bảo vệ. Đa số mọi công dân đều sử dụng các quyền này để bảo vệ lợi ích của mình nhưng không xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân khác.
Tuy nhiên, cũng có người vì động cơ cá nhân hay những động cơ khác đã “lợi dụng” các quyền đó để xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân khác. Có thể người phạm tội viết báo để đả kích cơ quan Nhà nước, tung tin không có thật gây hoang mang trong nhân dân, khiếu nại, tố cáo,…gây mất uy tín cho cán bộ công chức…
Điều luật không quy định “xâm phạm” là như thế nào và ở mức độ nào thì mới cấu thành tội phạm. Việc đánh giá trong những trường hợp cụ thể sẽ là cần thiết. Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có một trong những hành vi trên và xâm hại đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Cần phải có hướng dẫn cụ thể thế nào là “lợi dụng quyền tự do dân chủ” trong quá trình triển khai áp dụng, từ đó tránh ngăn chặn sự tuỳ tiện từ phía các cơ quan chức năng, xâm hại đến quyền tự do dân chủ của cá nhân. Bởi cấu thành của tội này rất định tính, các quyền tự do dân chủ của cá nhân có thể bị xâm hại bất cứ lúc nào, đặc biệt trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta chủ trương tăng cường dân chủ và phản biện xã hội trong hoạt động quản lý nhà nước.
Tội phạm này cần phân biệt với Tội vu khống quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự. Ở Tội vu khống, người phạm tội nhận thức được tin mà mình loan truyền là bịa đặt, không có thật và nhằm xâm phạm đanh dự, nhân phẩm của đối tượng cụ thể. Trong tội phạm này, người phạm tội không biết tin mình loan truyền là sai sự thật (có thể sai sự thật nhưng người phạm tội không biết), những thông tin không được công khai, thuộc bí mật Nhà nước, tuy nhiên người phạm tội đã loan truyền ra ngoài.
Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm có hành vi khách quan nêu trên xảy ra. Hậu quả của hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ là những thiệt hại đã gây ra hoặc đe doạ gây ra những thiệt hại về vật chất và tinh thần cho Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Hình phạt:
- Khoản 1: Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Khoản 2: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338