Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Tham ô tài sản là một trong các tội phạm về tham nhũng nghiêm trọng nhất trực tiếp xâm phạm đồng thời hai khách thể quan trọng là quan hệ sở hữu và hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý tài sản nói chung, và quản lý tài chính, kinh tế nói riêng. Đây cũng là một trong những tội phạm gây thiệt hại nghiêm trọng nhất về tài sản cho Nhà nước và các tổ chức, làm thoái hoá, biến chất một bộ phận cán bộ có trách nhiệm quản lý tài sản, gây sự phẫn nộ, bất bình lớn trong quần chúng nhân dân và gây ảnh hưởng tiêu cực về nhiều mặt trong đời sống xã hội. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành Tội tham ô tài sản quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của Tội tham ô tài sản là chủ thể đặc biệt. Chủ thể của tội phạm chỉ có thể là người có chức vụ, quyền hạn. Theo Khoản 2 Điều 352 Bộ luật Hình sự quy định, người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
Khách thể của tội phạm:
Khách thể của Tội tham ô tài sản là quan hệ sở hữu và hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý tài sản.
Tham ô tài sản là một trong các tội phạm về tham nhũng nghiêm trọng nhất trực tiếp xâm phạm đồng thời hai khách thể quan trọng là quan hệ sở hữu và hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý tài sản nói chung, và quản lý tài chính, kinh tế nói riêng. Đây cũng là một trong những tội phạm gây thiệt hại nghiêm trọng nhất về tài sản cho Nhà nước và các tổ chức, làm thoái hoá, biến chất một bộ phận cán bộ có trách nhiệm quản lý tài sản, gây sự phẫn nộ, bất bình lớn trong quần chúng nhân dân và gây ảnh hưởng tiêu cực về nhiều mặt trong đời sống xã hội.
Đối tượng bị chiếm đoạt trong tội tham ô bao gồm: Tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, tài sản của các tổ chức (kinh tế, chính trị, chính trị xã hội), của tập thể, tài sản thuộc sở hữu của công dân nhưng đang thuộc sự quản lý tạm thời hợp pháp (trực tiếp hoặc gián tiếp) của người có chức vụ, quyền hạn. Một số đối tượng như: vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, ma tuý, chất nổ… do tính chất và công dụng đặc biệt nên không phải là đối tượng của tội tham ô tài sản mà là đối tượng của các hành vi phạm tội khác.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội tham ô tài sản cũng là tội phạm có tính chất chiếm đoạt nên cũng như đối với tội có tính chất chiếm đoạt khác, người phạm tội thực hiện hành vi của mình với lỗi cố ý (cố ý trực tiếp), tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; không có trường hợp tham ô tài sản nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội bao giờ cũng mong muốn chiếm đoạt được tài sản.
Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt sản. Vì vậy, có thể nói mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội tham ô tài sản. Nếu mục đích của người phạm tội chưa đạt được (chưa chiếm đoạt được tài sản), thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
Mặt khách quan của tội phạm:
Hành vi thuộc mặt khách quan của Tội tham ô tài sản được thể hiện ở hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là sử dụng chức vụ, quyền hạn được giao như một phương tiện để biến tài sản của người khác (cơ quan, tổ chức hoặc của công dân do mình trực tiếp hoặc gián tiếp quản lý) thành tài sản của mình hoặc của người khác.
Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được thực hiện rất đa dạng như:
- Sử dụng quyền hạn do chức trách, nhiệm vụ công tác được giao mà có để thực hiện không đúng chức trách của mình hoặc làm trái các quy định về chế độ quản lý tài sản thuộc lĩnh vực công tác mà mình phụ trách như: chế độ quản lý vật tư, tiền mặt, sổ sách kế toán, chế độ thu chi... và bằng cách đó để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.
- Sử dụng quyền hạn vượt quá giới hạn cho phép nhưng có liên quan đến cương vị công tác để chiếm đoạt tài sản như: Kế toán tự động thu tiền quỹ rồi chiếm đoạt luôn số tiền đó, mà lẽ ra việc thu quỹ thuộc chức trách của thủ quỹ...; Dùng quyền quyết định của mình để tác động đến người khác ép họ đưa tài sản.
Để che giấu hành vi chiếm đoạt tài sản người phạm tội có thể sử dụng thủ đoạn khác nhau như: sửa chữa sổ sách, chứng từ, cố tình ghi chép sai, lập chứng từ giả, tạo hiện trường giả, tiêu huỷ hoá đơn, chứng từ, đốt kho,... Các thủ đoạn này có thể được thực hiện trước, trong hoặc sau khi chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm mà chỉ có ý nghĩa khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội.
Tài sản bị chiếm đoạt phải là tài sản mà người phạm tội có trách nhiệm quản lý (trực tiếp hoặc gián tiếp).
Hành vi chiếm đoạt tài sản chỉ cấu thành tội phạm nếu tài sản có giá trị từ từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp như đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Thì hành vi này chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tội tham ô tài sản là tội phạm có cấu thành vật chất. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm kẻ phạm tội chiếm đoạt được tài sản. Thời điểm tài sản bị chiếm đoạt được xác định căn cứ vào đối tượng bị chiếm đoạt và chức năng, nhiệm vụ của người quản lý tài sản tuỳ từng trường hợp cụ thể: từ lúc tài sản bị đưa ra khỏi nơi cất giữ, từ lúc cất giấu tài sản ở nơi kín đáo để sau đó đưa ra ngoài, hoặc không xuất trình được chứng từ hoá đơn hợp lệ khi vận chuyển hoặc từ khi nhận được tài sản từ người khác chuyển giao trái phép...
Hình phạt:
- Khoản 1: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
- Khoản 2: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
- Khoản 3: Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.
- Khoản 4: Phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
- Khoản 5: Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
- Khoản 6: Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Điều 353. Tội tham ô tài sản
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338