Language:
Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng (Điều 206)
29/04/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xâm phạm hoạt động đúng đắn và an toàn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015.

 

Chủ thể của tội phạm:

 

Chủ thể của tội vi phạm các quy định trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự. Đây là tội phạm có dấu hiệu chủ thể đặc biệt, do đó người phạm tội chỉ có thể là người có có chức vụ, quyền hạn trong các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

 

Khách thể của tội phạm:

 

Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xâm phạm hoạt động đúng đắn và an toàn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

 

Mặt chủ quan của tội phạm:

 

Tội phạm được thực hiện do cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Người phạm tội biết hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng của mình gây ra hậu quả nghiêm trọng, là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố tình thực hiện tội phạm.

 

Mặt khách quan của tội phạm:

 

Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện qua  các hành vi sau:

 

(1) Cấp tín dụng cho trường hợp không được cấp tín dụng, trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng.

 

(2) Cấp tín dụng không có đảm bảo hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định của pháp luật.

 

(3) Vi phạm quy định về tỉ lệ bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

 

(4) Cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng đối với trường hợp có tài sản bảo đảm.

 

(5) Vi phạm quy định của pháp luật  về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng.

 

(6) Cấp tín dụng vượt quá giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp có chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

 

(7) Vi phạm quy định của pháp luật về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng.

 

(8) Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả.

 

(9) Kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép.

 

(10) Tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phéptheo quy định của Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng.

 

Các hành vi nêu trên chỉ cấu thành tội phạm nếu gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

 

Hậu quả của tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng là những thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.

 

Hình phạt:

 

- Khoản 1: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, các hành vi: Cấp tín dụng cho trường hợp không được cấp tín dụng, trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng; Cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định của pháp luật; Vi phạm quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng; Cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng đối với trường hợp phải có tài sản bảo đảm; Vi phạm quy định của pháp luật về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng; Cấp tín dụng vượt giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp có chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Vi phạm quy định của pháp luật về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng; Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả; Kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép; Tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng.

 

- Khoản 2: Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm thuộc trường hợp gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

 

- Khoản 3: Phạt tù từ 07 năm đến 12 năm thuộc trường hợp gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.

 

- Khoản 4: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm thuộc trường hợp gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên.

 

- Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Điều 206. Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Cấp tín dụng cho trường hợp không được cấp tín dụng, trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng;

b) Cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định của pháp luật;

c) Vi phạm quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng;

d) Cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng đối với trường hợp phải có tài sản bảo đảm;

đ) Vi phạm quy định của pháp luật về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng;

e) Cấp tín dụng vượt giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp có chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

g) Vi phạm quy định của pháp luật về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng;

h) Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả;

i) Kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép;

k) Tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng.

2. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338