Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác trực tiếp xâm phạm đến chế độ quản lý an ninh mạng, đến lợi ích hợp pháp của công ty, tổ chức, cá nhân và nhà nước. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích cấu thành của Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Chủ thể của tội phạm không phải chủ thể đặc biệt, bất kì ai cũng có thể là chủ thể của tội phạm này.
Khách thể của tội phạm:
Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác trực tiếp xâm phạm đến chế độ quản lý an ninh mạng, đến lợi ích hợp pháp của công ty, tổ chức, cá nhân và nhà nước. Đối tượng tác động của tội phạm là những quy định của Nhà nước về an ninh mạng; quyền và lợi ích hợp pháp của công ty, tổ chức, cá nhân và nhà nước.
Mặt chủ quan của tội phạm:
Người phạm tội thực hiện hành vi khách quan với lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội hoàn toàn nhận biết được hậu quả của tội phạm nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi để hậu quả của nó xảy ra hoặc dù không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng vẫn có ý thức để mặc hậu quả xảy ra.
Mặt khách quan của tội phạm:
Mặt khách quan của tội phạm là hành vi xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.
Hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác lấy cắp dữ liệu được hiểu là bao gồm cả hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm đoạt dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh, kể cả nghe, đọc, ghi chép, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh.
Hành vi xâm nhập có thể thực hiện bằng rất nhiều hình thức:
- Vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác;
- Bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác;
- Chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử;
- Lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu;
- Sử dụng trái phép các dịch vụ.
Theo Luật An ninh mạng năm 2018, những hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để thực hiện tội phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự được gọi là tội phạm mạng.
Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
Gián điệp mạng là hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, mật mã, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác để chiếm đoạt, thu thập trái phép thông tin, tài nguyên thông tin trên mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Tội phạm được coi là hành thành kể từ thời điểm có hành vi khách quan xảy ra.
Hình phạt:
- Khoản 1: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Khoản 2: Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
- Khoản 3: Phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
- Khoản 4: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 289. Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác
1. Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Đối với trạm trung chuyển internet quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu tên miền và hệ thống máy chủ tên miền quốc gia;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh;
b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;
c) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338