Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Biện pháp tư pháp hình sự là biện pháp cưỡng chế nhà nước được quy định trong Bộ luật Hình sự, do cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhằm hỗ trợ hoặc thay thế hình phạt. Về bản chất pháp lý hình sự, các biện pháp tư pháp không phải là hình phạt nhưng lại là biện pháp tư pháp hình sự được Bộ luật Hình sự quy định để có thể áp dụng đối với người có hành vi phạm tội. Dưới đây, luật sư của chúng tôi phân tích về quy định "Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi" tại Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 03 nội dung. Theo đó, người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra. Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại.
(1) Hoàn trả tài sản đã chiếm đoạt, chiếm đoạt ở đây được hiểu là người phạm tội có được tài sản một cách bật hợp pháp, không có trong ý chí của bị hại. Do đó, các tài sản bị chiếm đoạt này phải được hoàn trả sau khi xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Trường hợp, không tìm được chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp của tài sản thì tài sản sẽ được sung vào ngân sách nhà nước.
(2) Sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất, việc hoàn trả tài sản chỉ được áp dụng khi tài sản còn nguyên vẹn. Trường hợp tài sản đã bị hỏng hóc, bắt buộc người phạm tội phải thực hiện việc sửa chữa để khắc phục, khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản. Nếu không thể khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản hoặc tài sản không còn thì người phạm tội phải bồi thường thiệt hại về vật chất cho bị hại. Việc bồi thường này có thể bằng tiền (theo giá trị tài sản) hoặc bằng một tài sản khác có giá trị tương đương.
(3) Trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại, việc thiệt hại về tinh thần khó có thể đong đếm trên thực tế cũng như không biểu hiện trực tiếp ra ngoài thế giới khách quan. Tuy nhiên, nhiều trường hợp tổn hại về tinh thần còn nghiêm trọng hơn so với tổn hại về vật chất. Việc Bộ luật hình sự năm hiện hành quy định về trách nhiệm bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại vô cùng cần thiết. Đây là sự thay đổi phù hợp với thực tế của Bộ luật hình sự hiện hành so với các bộ luật hình sự cũ.
Điều 48. Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi
1. Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.
2. Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338