Theo quy định tại Điều 542 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công. Đặc thù của hoạt động gia công chính là hoạt động thực hiện chuyên trách một công việc tạo ra sản phẩm của một bên và hưởng thù lao từ hoạt động đó. Cho nên, một trong những nét riêng biệt tạo nên loại hợp đồng này chính là hoạt động thanh toán tiền công của bên đặt gia công đổi với bên gia công.
Có thể thấy điều luật sử dụng tên “trả tiền công” để điều chỉnh quá trình thanh toán giá trị công sức bỏ ra trên sản phẩm thu được của bên gia công. Nhiều quan niệm cho rằng, Bộ luật Dân sự sử dụng loại tài sản là “tiền” để chỉ giá trị của công cụ thanh toán công sức cho bên gia công tạo ra sự cứng nhắc, vì thực tế khi kết thúc hợp đồng này, các bên đều có thể thỏa thuận thanh toán bằng những tài sản khác hoặc thay thế, bù trừ nghĩa vụ khác cho nhau. Tuy nhiên, điều luật này cần phải hiểu theo nghĩa mở rộng của tài sản nói chung - công cụ xác định ngang giá với công sức lao động của người gia công sản phẩm. Và như vậy, các loại tài sản nói chung thậm chí là một loại công việc khác cũng có thể trở thành công cụ định giá cho công sức tạo ra sản phẩm của bên gia công.
Tại Điều 552 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc trả tiền công. Theo đó, bên đặt gia công phải trả đủ tiền công vào thời điểm nhận sản phẩm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp không có thỏa thuận về mức tiền công thì áp dụng mức tiền công trung bình đối với việc tạo ra sản phẩm cùng loại tại địa điểm gia công và vào thời điểm trả tiền. Bên đặt gia công không có quyền giảm tiền công, nếu sản phẩm không bảo đảm chất lượng do nguyên vật liệu mà mình đã cung cấp hoặc do sự chỉ dẫn không hợp lý của mình. Cụ thể:
Bên đặt gia công phải trả đủ tiền công vào đúng thời hạn, đây chính là lợi ích khi họ cung cấp dịch vụ gia công tài sản; làm phát sinh trách nhiệm của bên đặt gia công trong việc thanh toán đầy đủ tiền công theo đúng thỏa thuận. Tiền công phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên và số lượng tài sản gia công, yêu cầu về chất lượng, độ phức tạp của sản phẩm; việc trả đủ tiền công là nghĩa vụ cơ bản của bên đặt gia công. Tiền công được xác định dựa trên công sức, chi phí bỏ ra để thực hiện nghĩa vụ và lợi nhuận từ việc thực hiện công việc gia công, chỉ khi trả đủ tiền công thì lợi ích của bên gia công mới được đảm bảo. Các bên có thể thỏa thuận về việc thanh toán toàn bộ trước hoặc sau khi bên gia công hoàn thành nghĩa vụ, nhưng cũng có thể bên đặt gia công thanh toán trước một phần tiền công, phần còn lại thanh toán sau khi bên gia công hoàn thành công việc.
Xác định mức tiền công khi không có thỏa thuận, để đề phòng trường hợp các bên không có thỏa thuận về tiền công dẫn đến tranh chấp sau này, pháp luật đã quy định cách xác định mức tiền công. Cụ thể: tiền công được xác định theo cách áp dụng mức tiền công trung bình đối với việc tạo ra sản phẩm cùng loại tại địa điểm gia công vào thời điểm trả tiền. Mức tiền gia công không được ấn định cụ thể mà phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên; mức tiền có thể có sự chênh lệch nhau bởi yếu tố như uy tín, tay nghề của bên gia công, các điều kiện địa lý... mức tiền công được xác định theo mức tiền công trung bình của hoạt động gia công tạo ra sản phẩm cùng loại, tại cùng địa điểm tại thời điểm thanh toán.
Trường hợp không được giảm tiền công, giảm tiền công đặt ra khi bên gia công do trình độ tay nghề có hạn, máy móc kỹ thuật còn hạn chế… tức nguyên nhân do lỗi của bên gia công mà tạo ra tài sản có chất lượng kém hơn thỏa thuận, thì bên đặt gia công có quyền giảm tiền công. Trường hợp tài sản kém chất lượng do nguyên vật liệu bên đặt gia công cung cấp, hoặc do sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công thì họ không có quyền giảm tiền công. Giảm tiền công là hậu quả bất lợi mà bên gia công phải chịu khi có lỗi trong việc gia công sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Nhưng trong trường hợp này, bên có lỗi là bên đặt gia công, nên bên đặt gia công không thể để bên gia công phải chịu trách nhiệm về hành vi có lỗi của mình được.
Điều 552. Trả tiền công
1. Bên đặt gia công phải trả đủ tiền công vào thời điểm nhận sản phẩm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp không có thỏa thuận về mức tiền công thì áp dụng mức tiền công trung bình đối với việc tạo ra sản phẩm cùng loại tại địa điểm gia công và vào thời điểm trả tiền.
3. Bên đặt gia công không có quyền giảm tiền công, nếu sản phẩm không bảo đảm chất lượng do nguyên vật liệu mà mình đã cung cấp hoặc do sự chỉ dẫn không hợp lý của mình.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338