Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Tại Điều 359 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định trách nhiệm do chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ. Theo đó, bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ làm phát sinh thiệt hại cho bên có nghĩa vụ thì phải bồi thường thiệt hại cho bên đó và phải chịu mọi rủi ro, chi phí phát sinh kể từ thời điểm chậm tiếp nhận, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ là khi đến thời hạn tiếp nhận việc nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ đã thực hiện nhưng bên có quyền không tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ đó. Theo đó, chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ sẽ làm phát sinh trách nhiệm pháp lý sau đây:
Bồi thường thiệt hại là một loại trách nhiệm pháp lý áp dụng đối với bên vi phạm nghĩa vụ gây thiệt hại cho bên kia. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có thiệt hại thực tế xảy ra và nguyên nhân gây ra thiệt hại là do hành vi chậm tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ gây ra.
Phải chịu rủi ro, thực ra rủi ro thường được áp dụng đối với đối tượng của nghĩa vụ hoặc kết quả của đối tượng của nghĩa vụ là tài sản. Về nguyên tẳc, chủ sở hữu của tài sản sẽ phải chịu rủi ro đối với tài sản đó. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ nên lỗi thuộc về chính họ và pháp luật quy định họ phải gánh chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản cho dù tài sản này có thuộc sở hữu của họ hay không. Chịu rủi ro ở đây thực chất không phải là một loại trách nhiệm pháp lý bởi lẽ ở đây rủi ro xảy ra không phải là kết quả trực tiếp của một hành vi vi phạm nghĩa vụ. Chịu rủi ro chỉ là hậu quả bất lợi mà bên chậm tiếp nhận phải gánh chịu khi có thiệt hại xảy ra đối với tài sản vì một lý do khách quan nào đó.
Phải thanh toán các chi phí phát sinh kể từ thời điểm chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ: Thực chất, việc thanh toán các chi phí hợp lý này cũng chính là trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bởi lẽ, trách nhiệm bồi thường thiệt hại không chỉ được đặt ra đối với các thiệt hại trực tiếp từ hành vi gây thiệt hại mà còn bao gồm các thiệt hại gián tiếp đó chính là các chi phí hợp lý để khắc phục thiệt hại. Ngoài ra, thiệt hại còn bao gồm những tổn thất khác mà bên bị vi phạm chứng minh được đó là kết quả tất yếu do hành vi chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ gây ra. Tại khoản 2 và 3 Điều 355 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bên có nghĩa vụ có thể gửi giữ tài sản, hoặc áp dụng biện pháp bảo vệ, giữ gìn tài sản, hoặc bán tài sản nếu tài sản đó nguy cơ hư hỏng. Những hành vi đó của bên có nghĩa vụ ít nhiều sẽ làm phát sinh các chi phí liên quan, những chi phí này đều được bên có quyền thanh toán đầy đủ.
Điều 359. Trách nhiệm do chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ
Bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ làm phát sinh thiệt hại cho bên có nghĩa vụ thì phải bồi thường thiệt hại cho bên đó và phải chịu mọi rủi ro, chi phí phát sinh kể từ thời điểm chậm tiếp nhận, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338