Language:
Từ bỏ quyền sở hữu (Điều 239)
20/06/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

Căn cứ theo quy định của pháp luật thì quyền sở hữu bao gồm các quyền như quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu tại Điều 158 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định. Trong đó, mỗi quyền đều mang một đặc trưng riêng biệt của quyền sở hữu. Cụ thể: Quyền chiếm hữu thể hiện ý chí của chủ sở hữu để nắm giữ, chi phối tài sản của mình; Quyền sử dụng quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản; Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản; từ bỏ quyền sở hữu; tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.

Tại Điều 239 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu. Theo đó, chủ sở hữu có thể tự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản của mình bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó. Đối với tài sản mà việc từ bỏ tài sản đó có thể gây hại đến trật tự, an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường thì việc từ bỏ quyền sở hữu phải tuân theo quy định của pháp luật.

Pháp luật đã có quy định chi tiết về từ bỏ quyền sở hữu và căn cứ vào quy định trên có thể thấy rằng từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản có thể được thực hiện dưới hai hình thức cụ thể như sau: Hình thức đầu tiên  chính là việc chủ sở hữu tài sản tuyên bố công khai việc từ bỏ quyền sở hữu tài sản cụ thể trường hợp này được hiểu là chủ sở hữu tuyên bố công khai với mọi người rằng mình đã từ bỏ quyền sở hữu với một tài sản mà mình có quyền sở hữu. Ngoài ra, còn hình thức đó là khi chủ sở hữu thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó. Đây được hiểu là việc chủ sở hữu có thể thực hiện một hành vi cụ thể để chứng minh cho mọi người thấy rằng mình đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, cụ thể thông qua các hành vi như vứt bỏ; tặng cho… tài sản thuộc quyền sở hữu của một cá nhân cụ thể.

Lưu ý, khi thực hiện từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản của chủ sở hữu thì quyền sở hữu tài sản không phải tuyệt đối vì nếu tài sản mà việc từ bỏ tài sản đó có thể gây hại đến trật tự, an toàn xã hội; ô nhiễm môi trường thì việc từ bỏ quyền sở hữu phải tuân theo quy định của pháp luật hiện hành.

Như vậy, việc từ chối quyền sở hữu có thể được thể hiện dưới hình thức tuyên bố công khai hoặc thông qua những hành vi cụ thể chứng tỏ rõ ràng ý chí từ chối quyền sở hữu của mình. Song, cần lưu ý rằng, cho đến trước khi xảy ra sự kiện xác lập quyền sở hữu cho những người tìm, nhặt được tài sản đã bị chủ sở hữu từ bỏ thì quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu cũ chưa chấm dứt. Điều này không chỉ dẫn tới khả năng lấy lại đồ vật của chủ sở hữu (với lý do chủ sở hữu chưa mất đi quyền đối với tài sản của mình) mà còn dẫn tới khả năng ràng buộc chủ sở hữu với những nghĩa vụ nhất định. Vì thế, nếu tài sản bị chủ sở hữu từ bỏ có khả năng gây thiệt hại thì chủ sở hữu vẫn phải chịu trách nhiệm. Việc từ bỏ tài sản trong những trường hợp tài sản bị từ bỏ có thể gây thiệt hại đến trật tự, an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường thì việc từ bỏ quyền sở hữu phải tuân theo quy định của pháp luật.

Điều 239. Từ bỏ quyền sở hữu

Chủ sở hữu có thể tự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản của mình bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó.

Đối với tài sản mà việc từ bỏ tài sản đó có thể gây hại đến trật tự, an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường thì việc từ bỏ quyền sở hữu phải tuân theo quy định của pháp luật.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338