Hợp đồng mua bán là hợp đồng chuyển quyền sở hữu đối với tài sản nên điều kiện đặt ra đối với tài sản mua bán là đang không bị tranh chấp về quyền sở hữu. Nghĩa vụ đảm bảo tài sản mua bán thuộc sở hữu của bên mua cũng là một trong các nghĩa vụ quan trọng của bên bán tài sản.
Tại Điều 444 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc bảo đảm quyền sở hữu của bên mua đối với tài sản mua bán. Theo đó, bên bán có nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu đối với tài sản đã bán cho bên mua không bị người thứ ba tranh chấp. Trường hợp tài sản bị người thứ ba tranh chấp thì bên bán phải đứng về phía bên mua để bảo vệ quyền lợi của bên mua; nếu người thứ ba có quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ tài sản mua bán thì bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại. Trường hợp bên mua biết hoặc phải biết tài sản mua bán thuộc sở hữu của người thứ ba mà vẫn mua thì phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu và không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Bên bán phải đảm bảo quyền sở hữu đối với tài sản đã bán cho bên mua không bị người thứ ba tranh chấp, để đảm bảo quyền sở hữu cho bên mua tốt nhất, bên bán phải có đầy đủ các loại giấy tờ liên quan đến đối tượng là tài sản sẽ bán cho bên mua như giấy tờ nhà, đất, giấy tờ đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản.
Trường hợp tài sản bị người thứ ba tranh chấp, trên thực tế, bên mua có thể không biết về nguồn gốc của tài sản, hợp đồng mua bán không phải lúc nào cũng diễn ra theo đúng quy định của pháp luật, vì vậy khi có tranh chấp bên bán phải đứng về phía bảo vệ cho lợi ích của bên mua. Nhưng không phải lúc nào bên bán cũng có đủ điều kiện và cơ sở để bảo vệ lợi ích của bên mua. Có trường hợp tài sản mua bán thuộc sở hữu của người thứ ba, và họ có căn cứ để đòi lại tài sản đó, như vậy sẽ gây thiệt hại cho bên mua. Do đó, pháp luật quy định trong trường hợp bên thứ ba có quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ đối với tài sản thì bên mua được quyền hủy hợp đồng và yêu cầu bên bán phải bồi thường thiệt hại.
Trường hợp bên mua đã biết hoặc phải biết tài sản mua bán thuộc sở hữu của người thứ ba, trường hợp bên mua biết hoặc phải biết tài sản mua bán thuộc sở hữu của người thứ ba mà vẫn mua thì phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu và không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đây là trường hợp ý chí của bên mua đã biết bên bán không phải chủ sở hữu của tài sản, mà vẫn tiến hành giao kết hợp đồng thì việc chiếm hữu tài sản của bên mua bị xem là không có căn cứ pháp luật và không ngay tình. Pháp luật quy định chiếm hữu không ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu biết hoặc phải biết rằng mình không có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu.
Điều 444. Bảo đảm quyền sở hữu của bên mua đối với tài sản mua bán
1. Bên bán có nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu đối với tài sản đã bán cho bên mua không bị người thứ ba tranh chấp.
2. Trường hợp tài sản bị người thứ ba tranh chấp thì bên bán phải đứng về phía bên mua để bảo vệ quyền lợi của bên mua; nếu người thứ ba có quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ tài sản mua bán thì bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp bên mua biết hoặc phải biết tài sản mua bán thuộc sở hữu của người thứ ba mà vẫn mua thì phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu và không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338