Language:
Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu (Điều 133)
06/03/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

 

Để xác định người thứ ba ngay tình cần các điều kiện như:

 

- Trước khi người thứ ba tham gia giao dịch dân sự đã có một giao dịch dân sự trước đó được xác lập, thực hiện nhưng giao dịch trước đó vô hiệu.

 

- Người thứ ba xác lập giao dịch phải ngay tình. Tức là trong trường hợp này, người thứ ba không biết hoặc không thể biết rằng mình tham gia giao dịch dân sự với người không có quyền định đoạt tài sản, hoặc đối tượng của giao dịch liên quan đến giao dịch trước đó.

 

- Người thứ ba tham gia vào giao dịch dân sự phải là người có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự theo quy định tại các Điều: 16, 17, 18, 19 và 20 Bộ luật Dân sự năm 2015. Nếu trong trường hợp mà họ không có đầy đủ năng lực hành vi thì họ phải có người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật (theo quy định tại Điều 48, Điều 136 và Điều 137 Bộ luật Dân sự năm 2015).

 

- Người thứ ba đã thực hiện nghĩa vụ và hưởng những quyền dân sự trong giao dịch do họ xác lập. Nói cách khác, họ đã nhận tài sản từ giao dịch và mục đích của giao dịch đã đạt được.

 

- Tài sản thực hiện giao dịch phải là những tài sản phải được phép lưu thông trên thị trường. Bởi nếu là vật cấm lưu thông, thì người thứ ba buộc phải biết mình xác lập giao dịch dân sự bất hợp pháp và không tiến hành giao dịch.

 

- Mục đích và nội dung của giao dịch không được vi phạm điều cấm của luật và không trái với đạo đức xã hội, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015.

 

- Trình tự xác lập giao dịch tuân thủ đúng trình tự pháp luật.

 

- Người thứ ba phải có yêu cầu được hưởng tài sản hoặc bồi thường thiệt hại khi tài sản giao dịch bị tịch thu sung quỹ Nhà nước, hoặc bị trả lại cho chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp.

 

Người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự vô hiệu được xác định:

 

Theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự vô hiệu được xác định như sau:

 

- Thứ nhất, đã có một giao dịch dân sự được xác lập và thực hiện hoàn thành trước đó. Giao dịch dân sự này bị xác định là vô hiệu, tất nhiên thời điểm xác định giao dịch sự vô hiệu là sau khi giao dịch với người thứ ba diễn ra.

 

- Thứ hai, giao dịch với người thứ ba phải đáp ứng các điều kiện của giao dịch dân sự có hiệu lực tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định (trong trường hợp này cần ngoại trừ nguyên nhân dẫn đến giao dịch dân sự lần thứ nhất bị vô hiệu do người thứ ba không hề biết về vấn đề này).

 

- Thứ ba, người thứ ba xác lập giao dịch phải ngay tình. Trong trường hợp này, người thứ ba không biết hoặc không thể biết rằng mình tham gia giao dịch dân sự có yếu tố dẫn đến giao dịch vô hiệu liên quan đến giao dịch trước đó. Người thứ ba ngay tình phải chứng minh yếu tố “ngay tình” khi tham gia giao dịch dân sự này.

 

- Thứ tư, người thứ ba đã thực hiện nghĩa vụ và đã hưởng những quyền dân sự trong giao dịch do họ xác lập, mục đích của giao dịch đã đạt được.

 

Với những quy định nêu trên tại Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền lợi của người thứ ba ngay tình được bảo vệ tốt hơn, qua đó tạo được sự tin tưởng cho các chủ thể, bảo đảm sự ổn định trong các quan hệ dân sự. Bên cạnh đó, quy định về bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình trong Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đã khắc phục được mâu thuẫn giữa quy định về thời điểm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu tài sản của Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai. Đồng thời, góp phần thay đổi nhận thức của người dân đối với thủ tục đăng ký tài sản, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan Nhà nước khi thực hiện các thủ tục về đăng ký tài sản vì theo quy định mới các cơ quan này hoàn toàn có thể bị kiện ra tòa và phải chịu trách nhiệm bồi thường Nhà nước, nếu có lỗi trong việc đăng ký tài sản trái pháp luật.

 

Điều 133. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu

1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.

2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338