Tại Điều 607 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả. Theo đó, cá nhân, pháp nhân xâm phạm đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp mồ mả của người khác bị xâm phạm phải bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều 607 và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết; nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Khi mồ mả bị xâm phạm, thiệt hại được xác định cũng bao gồm những tổn thất về vật chất quy định khoản 2 Điều 607 và những tổn thất về tinh thần tại khoản 3 Điều 607. Chủ thể phải bồi thường thiệt hại có thể là cá nhân, pháp nhân có hành vi xâm phạm mồ mả. Tuy nhiên, việc xác định chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường còn phải dựa trên quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân đã được quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, thì Bộ luật Dân sự năm 2015 có hai sự thay đổi: (1) Chỉ xác định cá nhân và pháp nhân là chủ thể xâm phạm mồ mả; (2) Bổ sung quy định liên quan đến bù đắp tổn thất về tinh thần khi xâm phạm mồ mả là 10 lần mức lương cơ sở cho mỗi mồ mả bị xâm phạm. Việc bổ sung quy định về bù đắp tổn thất về tinh khi xâm phạm mồ mả là hoàn toàn phù hợp. Bởi vì, khi mồ mả của người chết bị xâm phạm sẽ gây ra những tổn thất về tinh thần cho thân nhân của họ (đau buồn, lo sợ...), nên việc buộc người xâm phạm phải bù đắp tổn thất về tinh thần là phù hợp với lẽ công bằng.
Hiện nay pháp luật quy định không ai có quyền xâm phạm đến mồ mả của người chết, nếu chủ thể nào vi phạm thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; việc bồi thường do xâm phạm mồ mả là quy định đặc biệt so với những quy định về các trường hợp bồi thường thiệt hại khác, bởi đối tượng bị thiệt hại không phải là người sống mà là người đã chết, cụ thể đó là quyền nhân thân của người chết gắn liền với mồ mả; quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả, gồm:
Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là cá nhân, pháp nhân có hành vi xâm phạm mồ mả của người khác. Chủ thể được xác định là xâm phạm mồ mả khi có các hành vi như đào, phá mồ mả; chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ; xâm phạm đến thi thể, hài cốt đã chôn cất… Cá nhân, pháp nhân đáp ứng các điều kiện về năng lực chịu trách nhiệm dân sự, khi có hành vi xâm phạm đến mồ mả của người chết thì phải chịu trách nhiệm bồi thường về hành vi đó. Cò đối với pháp nhân, việc xâm phạm thi thể được thực hiện thông qua hành vi của con người, mà người đó thực hiện nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo của pháp nhân, phục vụ cho lợi ích của pháp nhân đó.
Xác định mức thiệt hại và mức bồi thường mà chủ thể vi phạm phải bồi thường. Cụ thể, thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm:
- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại, các khoản chi phí này bao gồm những chi phí thực tế mà gia đình người bị thiệt hại đã bỏ ra để khắc phục, hạn chế thiệt hại như các chi phí cho việc tìm kiếm thi thể, hài cốt, đồ vật đã bị chiếm đoạt; chi phí mua nguyên vật liệu xây dựng, sửa sang lại mồ mả… Đây là những thiệt hại về tài sản, có thể xác định cụ thể, việc xác định thiệt hại cũng phải dựa trên tập quán của từng nơi.
- Thiệt hại về tinh thần cho người thân thiết của người bị hại, việc mồ mả bị xâm phạm không chỉ làm cho những người thân thích với người đã chết đau lòng, mà còn gây hoang mang, lo sợ, tổn hại nặng nề đến tinh thần. Chủ thể vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường một khoản tiền nhằm bù đắp thiệt hại về tinh thần của những người thân thiết với người bị thiệt hại; người được hưởng bồi thường là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: cha mẹ, con cái, vợ chồng của người đã chết. Trong trường hợp không có những người này, thì người được hưởng khoản tiền tốn thất tinh thần là người trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại; thiệt hại về tinh thần mang tính trừu tượng, vậy nên rất khó để xác định mức tổn thất về tinh thần. Vì thế để xác định mức thiệt hại về tinh thần và mức bồi thường tương ứng pháp luật quy định các bên có thể tự thỏa thuận. Nếu các bên không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi thi thể bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Có thể tham khảo thêm về Bản án 10/2018/DS-ST ngày 10/10/2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả của Tòa án nhân dân huyện Thạch Thành, Tỉnh Thanh Hóa.
Điều 607. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả
1. Cá nhân, pháp nhân xâm phạm đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại.
2. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.
3. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp mồ mả của người khác bị xâm phạm phải bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết; nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338