Theo quy định pháp luật thì bồi thường thiệt hại là một loại trách nhiệm dân sự buộc bên có hành vi vi phạm phải bồi thường cho bên bị vi phạm một khoản tiền nhất định nhằm khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra. Trong hợp đồng mua bán tài sản, các bên có thể thỏa thuận về việc bên bán sẽ bảo hành sản phẩm cho bên mua trong một thời hạn nhất định, nhằm khắc phục những khuyết tật của tài sản.
Tại Điều 449 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại trong thời hạn bảo hành. Theo đó, ngoài việc yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo hành, bên mua có quyền yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại do khuyết tật về kỹ thuật của vật gây ra trong thời hạn bảo hành. Bên bán không phải bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra do lỗi của bên mua. Bên bán được giảm mức bồi thường thiệt hại nếu bên mua không áp dụng các biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.
Nếu do khuyết tật về kỹ thuật của vật mua bán gây ra thiệt hại thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán phải bồi thường. Thiệt hại xảy ra có thể đối với chính bên mua tài sản hoặc một chủ thể bất kì nào khác. Những thiệt hại này có thể là tổn thất, mất mát về tài sản hoặc về sức khỏe, thậm chí tính mạng của cá nhân bị thiệt hại. Nếu hành vi con người sử dụng tài sản gây ra thiệt hại thì trường hợp này chính người có hành vi phải bồi thường mà không thể viện lý do vì khuyết tật về kỹ thuật của vật gây ra trong thời hạn bảo hành mà yêu cầu bên bán phải bảo hành. Do đó đây là trường hợp bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra, phổ biến đối với những trường hợp này là các vụ tai nạn giao thông do nguồn nguy hiểm cao độ là ô tô, xe máy đang vận hành gây ra.
Bên bán không phải bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra do lỗi của bên mua. Đây cũng chính là nguyên tắc quan trọng trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại bên nào có lỗi thì phải chịu trách nhiệm với thiệt hại xảy ra. Thiệt hại xảy ra, không phải do lỗi khuyết tật của tài sản mà hoàn toàn do lỗi của bên mua. Đồng thời, bên mua có trách nhiệm phải áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại xả ra. Nếu bên mua có khả năng áp dụng các biện pháp cần thiết, nhưng lại không làm gì để mặc cho hậu quả xảy ra, thì cũng được xác định là lỗi. Do đó, bên bán sẽ được giảm mức bồi thường thiệt hại. Áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại là trách nhiệm của mỗi chủ thể trong mọi tình huống. Quy định này nhằm bảo vệ lợi ích của bên bán, trong trường hợp bên mua cố tình để thiệt hại xảy ra gây bất lợi cho bên bán.
Điều 449. Bồi thường thiệt hại trong thời hạn bảo hành
1. Ngoài việc yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo hành, bên mua có quyền yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại do khuyết tật về kỹ thuật của vật gây ra trong thời hạn bảo hành.
2. Bên bán không phải bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra do lỗi của bên mua. Bên bán được giảm mức bồi thường thiệt hại nếu bên mua không áp dụng các biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338