Theo quy định tại Điều 275 Bộ luật Dân sự năm 2015, một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự là sự kiện “gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật” và tương ứng với căn cứ này là các quy định tại Chương XX, Phần thứ ba Bộ luật Dân sự 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong trường hợp này, trách nhiệm được hiểu là bổn phận, nghĩa vụ của người gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường và từ nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tạo ra quan hệ nghĩa vụ tương ứng. Hiện nay căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định dựa trên yếu tố chủ quan và khách quan. Chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại do yếu tố chủ quan được thể hiện thông quan hành vi hoặc tài sản của mình gây ra.
Tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo đó, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự. Cụ thể:
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của con người gây ra, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi chủ thể có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác; những hành vi đó có thể là cố ý hoặc vô ý nhưng phải xuất phát từ chính hành vi của người gây thiệt hại, mà không có sự tác động của các yếu tố bên ngoài hay hành vi của chủ thể khác; căn cứ vào nguyên tắc chung làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì, chủ thể chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường về hành vi của mình khi có các điều kiện cơ bản sau:
- "Có thiệt hại xảy ra trên thực tế", bởi mục đích của trách nhiệm bồi thường thiệt hại là khôi phục lại tình trạng tài sản, bù đắp thiệt hại về tinh thần cho người bị thiệt hại, do đó, không có thiệt hại xảy ra thì không đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại. Chính vì vậy, có thể nói thiệt hại xảy ra là tiền đề của trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Thiệt hại là những tổn thất được tính thành tiền, là căn cứ để xác định mức bồi thường.
- "Có hành vi gây thiệt hại", theo nguyên tắc chung của Hiến pháp nước Việt Nam, mỗi công dân đều có quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, tài sản mà mọi người đều phải tôn trọng, không được có bất kỳ hành vi nào xâm phạm đến các quyền đó. Bên cạnh đó Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích của người khác. Mà quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh với chủ thể có hành vi xâm phạm đến tính mang, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác. Như vậy, có thể thấy hành vi xâm phạm của chủ thể chính là hành vi trái pháp luật. Do đó, chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường phải có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho người khác. Hành vi có thể được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động.
- "Lỗi của người gây ra thiệt hại", lỗi được chia ra làm hai loại là lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý. Về nguyên tắc, chủ thể bị áp dụng một chế tài pháp lý khi họ có hành vi vi phạm pháp luật do phạm cả hai lỗi trên. Theo đó, lỗi cố ý là trường hợp một chủ thể nhận thức được hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện. Còn lỗi vô ý là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có thể gây thiệt hại, nhưng buộc phải biết hoặc có thể biết nhưng cho rằng thiệt hại không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được. Lỗi là yếu tố quan trọng để xác định trách nhiệm dân sự nói chung và trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói riêng. Cá nhân có khả năng nhận thức làm chủ hành vi của mình phải chịu trách nhiệm khi có lỗi. Lỗi của pháp nhân trong việc chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là lỗi của người thực hiện nhiệm vụ phục vụ cho lợi ích của pháp nhân đó. Trong một số trường hợp lỗi được xác định là lỗi suy đoán.
- "Có quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi gây thiệt hại", thiệt hại xảy ra là kết quả của hành vi gây thiệt hại. Mối quan hệ nhân quả là cơ sở để áp dụng các chế tài pháp lý đối với một chủ thể. Bồi thường thiệt hại không chỉ nhằm mục đích khắc phục những tổn thất cho người bị hại mà còn nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ thể trong việc tôn trọng lợi ích của chủ thể khác. Do đó, phải có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại, điều này được thể hiện trong quy định pháp luật với cấu trúc “người nào có hành vi...xâm phạm…mà gây thiệt hại”.
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra, theo quy định pháp luật thì khi tài sản gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại; cũng như trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của chủ thể gây ra, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra cũng phải đáp ứng các điều kiện làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường như đã phân tích ở trên. Chủ sở hữu tài sản có nghĩa vụ phải bảo quản, quản lý tài sản, đảm bảo việc sử dụng tài sản không gây thiệt hại cho chủ thể khác. Như vậy, chủ thể có lỗi trong việc bảo quản, sử dụng tài sản gây thiệt hại cho chủ thể khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Ví dụ: phóng nhanh vượt ẩu gây ra tai nạn.
Loại trừ trách nhiệm bồi thường: Theo quy định thì không phải trong mọi trường hợp khi gây ra thiệt hại cho chủ thể khác, người gây thiệt hại cũng phải bồi thường; trên cơ sở xác định yếu tố chủ quan, khách quan trong nguyên nhân gây thiệt hại mà pháp luật loại trừ trách nhiệm bồi thường cho chủ thể. Chủ thể không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. Căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại được áp dụng chung cho cả hành vi gây thiệt hại và tài sản gây thiệt hại.
- Sự kiện bất khả kháng xuất phát từ nguyên nhân khách quan, nằm ngoài ý chí, tầm kiểm soát của chủ thể như: thiên tai, dịch bệnh, đình công… Thiệt hại xảy ra không phải do hành vi gây vi phạm pháp luật của chủ thể càng không có yếu tố lỗi, và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại, vì thế chủ thể không phải chịu trách nhiệm bồi thường khi thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng.
- Trên thực tế, thiệt hại xảy ra có thể do lỗi của chính bên gây thiệt hại; có thể là lỗi vô ý, hoặc cố ý để buộc chủ thể khác phải bồi thường cho mình, chủ thể bị thiệt hại bằng hành vi của mình tác động làm thiệt hại xảy ra. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại không chỉ nhằm đảm bảo việc đền bù tổn thất đã gây ra mà còn là công cụ để giáo dục mọi chủ thể về ý thức tuân thủ pháp luật, bảo vệ tài sản, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338