Language:
Chấm dứt sở hữu chung (Điều 220)
05/06/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản; các chủ thể cùng có quyền sở hữu đối với tài sản được gọi là các đồng sở hữu. Sở hữu chung có thể được hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa các đồng sở hữu, cũng có thể được hình thành dựa trên quy định của pháp luật hay theo tập quán.

Tại Điều 220 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc chấm dứt sở hữu chung, thì sở hữu chung chấm dứt trong trường hợp sau đây: Tài sản chung đã được chia; một trong số các chủ sở hữu chung được hưởng toàn bộ tài sản chung; tài sản chung không còn; trường hợp khác theo quy định của luật.

Chấm dứt trong trường hợp tài sản chung đã được chia, sở hữu chung theo phần, điển hình cho hình thức sở hữu này là sở hữu chung hỗn hợp. Sở hữu chung hỗn hợp thực chất là một phạm trù kinh tế, là hình thức góp vốn của các chủ thể nhằm sản xuất, kinh doanh thu lợi nhuận, thông qua việc thành lập các công ty, tổ chức kinh doanh khác. Tài sản chung bị chia khi tổ chức kinh doanh chấm dứt hoạt động, có nhiều nguyên nhân khiến tổ chức kinh doanh chấm dứt hoạt động, nhưng khi chấm dứt hoạt động tài sản chung của các chủ sở hữu sẽ bị chia. Việc chia tài sản chung trong trường hợp này căn cứ vào số vốn góp ban đầu của các chủ thể. Sau khi tài sản bị chia, tức là tài sản chung không còn tồn tại nữa nên quyền sở hữu chung của các chủ thể cũng chấm dứt.

Sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia, cụ thể cho việc chấm dứt sở hữu chung trong trường hợp này là sở hữu chung của vợ chồng. Tài sản chung của vợ chồng hình thành từ các khoản thu nhập, thừa kế chung, tặng cho chung sau khi kết hôn. Pháp luật quy định vợ chồng có thể nhập tài riêng của mỗi người trước khi kết hôn vào tài sản chung. Tài sản chung chỉ bị chia sau khi vợ chồng ly hôn hoặc vợ hoặc chồng chết. Khi ly hôn phần tài sản chung được chia theo thỏa thuận của vợ chồng hoặc theo quyết định của Tòa án. Trường hợp vợ hoặc chồng chết, khi đó tài sản được để lại thừa kế nên pháp luật phải chia tìa sản chung của vợ chồng để xác định phần tài sản để thùa kế, thông thường trong trường hợp này tài sản chung sẽ được chia đôi. Khi tài sản chung của vợ chồng bị chia, trong bất kỳ trường hợp nào cũng làm chấm dứt sự tồn tại của tài sản chung, do vậy làm chấm dứt sở hữu chung.

Chấm dứt trong trường hợp một trong số các chủ sở hữu được hưởng toàn bộ tài sản, trường hợp này xảy ra ở hầu hết các hình thức sở hữu. Một chủ sở hữu được hưởng toàn bộ tài sản khi các chủ sở hữu khác đồng loạt từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản chung.

Chấm dứt trong trường hợp tài sản chung không còn, tài sản chung không còn khi bị tiêu hủy, bán,…khi đó quyền của các chủ sở hữu với tài sản cũng chấm dứt.

Điều 220. Chấm dứt sở hữu chung

Sở hữu chung chấm dứt trong trường hợp sau đây:

1. Tài sản chung đã được chia.

2. Một trong số các chủ sở hữu chung được hưởng toàn bộ tài sản chung.

3. Tài sản chung không còn.

4. Trường hợp khác theo quy định của luật.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338