Tại Điều 62 Bộ luật Dân sự năm quy định về việc giám hộ chấm dứt trong trường hợp như người được giám hộ đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; người được giám hộ chết; cha, mẹ của người được giám hộ là người chưa thành niên đã có đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình; người được giám hộ được nhận làm con nuôi. Thủ tục chấm dứt việc giám hộ thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Cụ thể:
(1) Trường hợp người được giám hộ đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Bản chất của giám hộ là để trợ giúp pháp lý đối với các cá nhân có năng lực hành vi dân sự không đầy đủ để các cá nhân này được chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Do đó, khi cá nhân được giám hộ đã đầy đủ năng lực hành vi dân sự, tự chăm sóc được bản thân và tự mình tham gia vào mọi giao dịch dân sự thì không cần thiết phải có người giám hộ.
(2) Trường hợp người được giám hộ chết. Trong trường hợp này, không còn chủ thể cần chăm sóc, bảo vệ và mọi quan hệ liên quan đến chủ thể chấm dứt năng lực chủ thể nên đương nhiên quan hệ giám hộ kết thúc.
(3) trường hợp cha, mẹ của người được giám hộ là người chưa thành niên đã có đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Đây là trường hợp liên quan đến người được giám hộ là người chưa thành niên có cha, mẹ đều bị tước quyền cha, mẹ đối với con hoặc không đủ điều kiện chăm sóc con và yêu cầu có người giám hộ cho con. Do đó, khi cha, mẹ của đứa trẻ đã không còn thuộc trường hợp không thể chăm sóc, bảo vệ cho con thì người con đương nhiên không cần người giám hộ và quan hệ giám hộ cũng chấm dứt.
(4) Trường hợp người được giám hộ được nhận làm nuôi. Trong trường hợp này, người giám hộ đã có bố mẹ nuôi chăm sóc, nuôi dưỡng và không còn thuộc trường hợp người chưa thành niên cần người giám hộ. Do đó, quan hệ giám hộ chấm dứt.
Thủ tục chấm dứt việc giám hộ thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch:
Tại Điều 19 Luật Hộ tịch quy định thẩm quyền đăng ký giám hộ, chấm dứt giám hộ. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ hoặc người giám hộ thực hiện đăng ký giám hộ. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký giám hộ thực hiện đăng ký chấm dứt giám hộ. Tại Điều 22 Luật Hộ tịch quy định việc đăng ký chấm dứt giám hộ, người yêu cầu đăng ký chấm dứt giám hộ nộp tờ khai đăng ký chấm dứt giám hộ theo mẫu quy định và giấy tờ làm căn cứ chấm dứt giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc chấm dứt giám hộ đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật dân sự, công chức tư pháp - hộ tịch ghi việc chấm dứt giám hộ vào Sổ hộ tịch, cùng người đi đăng ký chấm dứt giám hộ ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Việc đăng ký chấm dứt giám hộ được thực hiện theo các bước sau:
- Người yêu cầu đăng ký chấm dứt giám hộ nộp hồ sơ đến ủy ban nhân dân cấp xã.
- Hồ sơ cần chuẩn bị gồm: Tờ khai đăng ký chấm dứt việc giám hộ; Giấy tờ làm căn cứ chấm dứt giám hộ.
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc, công chức tư pháp-hộ tịch ghi việc chấm dứt giám hộ vào Sổ hộ tịch, cùng người đi đăng ký chấm dứt giám hộ ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
- Việc chấm dứt giám hộ giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài đang cư trú tại VIệt Nam thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Điều 62. Chấm dứt việc giám hộ
1. Việc giám hộ chấm dứt trong trường hợp sau đây:
a) Người được giám hộ đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Người được giám hộ chết;
c) Cha, mẹ của người được giám hộ là người chưa thành niên đã có đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình;
d) Người được giám hộ được nhận làm con nuôi.
2. Thủ tục chấm dứt việc giám hộ thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338