Tại Điều 84 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân. Theo đó, chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân. Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân. Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện trong phạm vi do pháp nhân giao, bảo vệ lợi ích của pháp nhân. Việc thành lập, chấm dứt chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân phải được đăng ký theo quy định của pháp luật và công bố công khai. Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền. Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện.
Đối với các pháp nhân có hoạt động ở phạm vi rộng thì các pháp nhân này thường tiến hành đặt chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều tỉnh thành khác nhau.
Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Chi nhánh có quyền ký các hợp động kinh tế nhanh danh chi nhánh, đóng dấu chi nhánh; Còn văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và thực hiện việc bảo vệ các lợi ích đó. Nội dung hoạt động của văn phòng đại diện phải phù hợp với nội dung hoạt động của doanh nghiệp. Văn phòng đại diện không trực tiếp kinh doanh, không được ký các hợp đồng nhưng vẫn được ký kết các hợp đồng đó theo sự ủy quyền của doanh nghiệp đã mở văn phòng đại diện ở đó.
Điểm giống nhau giữa chi nhanh và văn phòng đại diện là:
(1) Chi nhánh và văn phòng đại diện đều là đơn vị phụ thuộc của một pháp nhân cụ thể;
(2) Cả chi nhánh và văn phòng đại diện đều không có tư cách pháp nhân;
(3) Hoạt động của chi nhánh và văn phòng đại diện là nhân danh pháp nhân.
Điểm khác nhau giữa chi nhánh và văn phòng đại diện là:
(1) Chi nhánh của một doanh nghiệp thường được tổ chức và hoạt động trong đơn vị phạm vi ranh giới quốc gia (có thể là ranh giới của huyện, tỉnh hay của một xã trong lãnh thổ quốc gia); còn văn phòng đại diện hoạt động theo khu vực, có thể ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia, tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp, tổ chức.
(2) Chi nhánh được phép thực hiện các công việc và nghiệp vụ như pháp nhân mở chi nhánh; còn văn phòng đại diện của doanh nghiệp không được phép thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến pháp nhân mở văn phòng đại diện, ví dụ: Công ty Dệt May DK có trụ sở ở TP. Hà Nội, chuyên cắt may quần áo. Công ty mở chi nhánh tại tỉnh Thanh Hóa được phép tiến hành hoạt động may quần áo; còn văn phòng đại diện ở TP. Đà Nẵng và TP. Cần Thơ không được phép tiến hành các hoạt động sản xuất mà chỉ được phép thực hiện các hoạt động của doanh nghiệp với tư cách đại diện của doanh nghiệp đó.
Việc thành lập, chấm dứt chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân phải được đăng ký theo quy định của pháp luật và công bố công khai. Việc đăng kí thể hiện sự đồng ý của Nhà nước trước việc thành lập, chấm dứt chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân, đồng thời, đó cũng là cơ sở để Nhà nước thực hiện việc quản lý đối với pháp nhân. Việc công bố công khai những thông tin về thành lập, chấm dứt chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân nhằm giúp các chủ thể khác thuận tiện tra cứu công tin, tránh bị lừa trong quá trình tiến hành các hoạt động với chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân.
Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện là người điều phối mọi hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện. Đồng thời, người này còn phải chịu trách nhiệm trước pháp nhân trong quá trình hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện. Do đó, người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện chỉ được thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.
Các giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện đều nhân danh pháp nhân, do đó, pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự này.
Điều 84. Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân
1. Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân.
2. Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân.
3. Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện trong phạm vi do pháp nhân giao, bảo vệ lợi ích của pháp nhân.
4. Việc thành lập, chấm dứt chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân phải được đăng ký theo quy định của pháp luật và công bố công khai.
5. Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.
6. Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338