Tại Điều 90 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc chia pháp nhân. Theo đó, một pháp nhân có thể chia thành nhiều pháp nhân. Sau khi chia, pháp nhân bị chia chấm dứt tồn tại; quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân bị chia được chuyển giao cho các pháp nhân mới.
Trái ngược với hợp nhất pháp nhân, từ nhiều pháp nhân ban đầu cải tổ thành một pháp nhân mới (C + D = CD) thì chia pháp nhân là phương thức cải tổ ngược lại, tức từ từ một pháp nhân ban đầu có thể cải tổ để cho ra nhiều pháp nhân mới (E = C và D). Thực chất, hợp nhất pháp nhân là hoạt động tập trung, tích tụ nhằm mở rộng về mặt quy mô lại thì chia pháp nhân là hoạt động phân toán, bóc tách nhằm thu hẹp quy mô hoạt động. Do đó, nếu hợp nhất pháp nhân được tiến hành trên cơ sở hợp đồng hợp nhất giữa các pháp nhân bị hợp nhất thì chia pháp nhân thường được tiến hành dựa trên ý chí của chính pháp nhân. Ví dụ: Tại khoản 2 Điều 198 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định, thủ tục chia công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần như sau: Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông của công ty bị chia thông qua nghị quyết, quyết định chia công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
Hậu quả pháp lý sau khi chia pháp nhân:
(1) Các pháp nhân mới hình thành;
(2) Pháp nhân bị chia chấm dứt sự tồn tại về pháp lý;
(3) Các quyền, nghĩa vụ dân sự của các pháp nhân bị chia được chuyển giao cho pháp nhân mới.
Công ty bị chia chấm dứt tồn tại sau khi các công ty mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các công ty mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia hoặc thỏa thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để một trong số các công ty đó thực hiện nghĩa vụ này. Các công ty mới đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp được phân chia theo nghị quyết, quyết định chia công ty. Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị chia trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho các công ty mới. Trường hợp công ty mới có địa chỉ trụ sở chính ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi công ty bị chia có trụ sở chính thì Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chính của công ty mới phải thông báo việc đăng ký doanh nghiệp đối với công ty mới cho Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty bị chia đặt trụ sở chính để cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị chia trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Điều 90. Chia pháp nhân
1. Một pháp nhân có thể chia thành nhiều pháp nhân.
2. Sau khi chia, pháp nhân bị chia chấm dứt tồn tại; quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân bị chia được chuyển giao cho các pháp nhân mới.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338