Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý (Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực) - sau đây gọi chung là người giám hộ để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ). Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu. Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Việc chuyển giao giám hộ trong các trường hợp:
- Người giám hộ không còn đủ các điều kiện quy định;
- Người giám hộ là cá nhân chết hoặc bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, mất năng lực hành vi dân sự, mất tích; pháp nhân làm giám hộ chấm dứt tồn tại;
- Người giám hộ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ;
- Người giám hộ đề nghị được thay đổi và có người khác nhận làm giám hộ.
Điều 61 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc chuyển giao giám hộ. Đây có thể xem là hậu quả pháp lý kèm theo của việc thay đổi người giám hộ. Việc chuyển giao giám hộ được quy định như sau:
Thứ nhất, thời hạn người giám hộ cũ phải chuyển giao việc giám hộ cho người giám hộ mới là trong vòng 15 ngày kể từ ngày xác định được người giám hộ mới. Quy định này nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của người được giám hộ bởi các cá nhân này cần nhanh chóng được chăm sóc, bảo đảm thông qua hành vi của người giám hộ. Nếu thời hạn chuyển giao càng dài thì càng ảnh hưởng đến người được giám hộ.
Thứ hai, việc giám hộ phải được lập thành văn bản, có ghi rõ nội dung: (1) Lý do chuyển giao; (2) Tình trạng tài sản; (3) Vấn đề khác có liên quan của người được giám hộ tại thời điểm chuyển giao. Việc chuyển giao giám hộ phải được thực hiện dưới sự chứng kiến của cơ quan cử, chỉ định người giám hộ và người giám sát việc giám hộ. Văn bản chuyển giao là cơ sở để xác định trách nhiệm của người giám hộ cũ cũng như người giám hộ mới khi xác định tình trạng của các vấn đề liên quan đến người được giám hộ. Sự chứng kiến của các chủ thể được yêu cầu đảm bảo tính khách quan, chân thực của các nội dung được chuyển giao.
Thứ ba, văn bản chuyển giao giám hộ nếu thuộc trường hợp phải thay đổi người giám hộ do không còn đáp ứng đủ điều kiện giám hộ thì được lập bởi cơ quan cử, chỉ định người giám hộ và ghi rõ các nội dung: (1) Tình trạng tài sản, (2) Vấn đề khác có liên quan của người được giám hộ; (3) Quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình thực hiện việc giám hộ.
Điều 61 Bộ luật Dân sự năm 2015 kế thừa và có thay đổi các quy định tại Điều 71 Bộ luật Dân sự năm 2005. Nội dung của văn bản chuyển giao quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 được quy định nhiều bổ sung. Bộ luật Dân sự năm năm 2015 cũng không tiếp tục yêu cầu điều kiện về Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người giám hộ công nhận việc chuyển giao.
Điều 61. Chuyển giao giám hộ
1. Khi thay đổi người giám hộ thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có người giám hộ mới, người đã thực hiện việc giám hộ phải chuyển giao giám hộ cho người thay thế mình.
2. Việc chuyển giao giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do chuyển giao và tình trạng tài sản, vấn đề khác có liên quan của người được giám hộ tại thời điểm chuyển giao. Cơ quan cử, chỉ định người giám hộ, người giám sát việc giám hộ chứng kiến việc chuyển giao giám hộ.
3. Trường hợp thay đổi người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều 60 của Bộ luật này thì cơ quan cử, chỉ định người giám hộ lập biên bản, ghi rõ tình trạng tài sản, vấn đề khác có liên quan của người được giám hộ, quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình thực hiện việc giám hộ để chuyển giao cho người giám hộ mới với sự chứng kiến của người giám sát việc giám hộ.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338