Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Tại Điều 368 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc chuyển giao quyền yêu cầu có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Theo đó, trường hợp quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm thì việc chuyển giao quyền yêu cầu bao gồm cả biện pháp bảo đảm đó.
Chuyển giao quyền yêu cầu là sự thỏa thuận của các bên mà theo đó bên có quyền yêu cầu sẽ chuyển giao quyền yêu cầu cho người thứ ba. Thực chất chuyển giao quyền yêu cầu là một hợp đồng, bởi sự chuyển giao dựa trên thỏa thuận và thống nhất ý chí của bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao. Khác với thực hiện quyền yêu cầu thông qua người thứ ba (ủy quyền), khi quyền yêu cầu được chuyển giao, quan hệ giữa bên chuyển giao và bên có nghĩa vụ sẽ chấm dứt làm phát sinh quan hệ mới là quan hệ giữa bên nhận chuyển giao và bên có nghĩa vụ.
Còn biện pháp bảo đảm được hiểu là biện pháp do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà theo đó bên bảo đảm dùng tài sản hoặc công việc mình có khả năng thực hiện được để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ dân sự. Biện pháp bảo đảm theo Bộ luật Dân sự năm 2015 bao gồm: Cầm cố tài sản, thế chấp tài sản; đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp; cầm giữ tài sản. Chuyển giao quyền yêu cầu có biện pháp bảo đảm kèm theo như: Chuyển giao quyền đòi nợ trong hợp đồng vay có bảo đảm bằng thế chấp; chuyển giao quyền yêu cầu giao tiền trong hợp đồng mua bán có bảo đảm bằng đặt cọc.
Theo quy định pháp luật, khi thỏa thuận xác lập biện pháp bảo đảm, các bên có thể xác lập một hợp đồng riêng tồn tại song song với hợp đồng chính, hoặc thiết lập thành các điều khoản ghi nhận trong hợp đồng chính. Khoản 4 Điều 402 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính. Có thể thấy, hợp đồng bảo đảm đảm tồn tại đồng thời với hợp đồng nghĩa vụ, do đó, khi đã chuyển giao quyền yêu cầu thì phải chuyển giao cả biện pháp bảo đảm đi kèm. Điều 366 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bên chuyển giao khi chuyển giao quyền yêu cầu thì phải chuyển giao những giấy tờ liên quan, đó có thể là hợp đồng chính, hợp đồng phụ, giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản bảo đảm, chứng minh thư… Chuyển giao quyền yêu cầu có biện pháp bảo đảm kèm theo như: Chuyển giao quyền đòi nợ trong hợp đồng cho vay có đảm bảo bằng biện pháp thế chấp, chuyển giao quyền yêu cầu trả tiền trong hợp đồng mua bán hàng hóa có đảm bảo bằng biện pháp đặt cọc.
Khi quyền yêu cầu có biện pháp bảo đảm được chuyển giao thì biện pháp bảo đảm đương nhiên được chuyển giao mà không cần có sự thỏa thuận của các bên. Quy định này xuất phát từ bản chất của áp dụng biện pháp bảo đảm là bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên mang nghĩa vụ. Có biện pháp bảo đảm thì bên có nghĩa vụ sẽ chủ động hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ đáp ứng quyền và lợi ích của bên có quyền. Bên cạnh đó, khi quyền yêu cầu được chuyển giao không ảnh hưởng đến người có nghĩa vụ, người thực hiện nghĩa vụ không thay đổi, và họ vẫn phải thực hiện đúng nghĩa vụ đó. Chính vì vậy, pháp luật quy định như vậy để đảm bảo sự thuận lợi trong thực hiện nghĩa vụ cũng như đảm bảo được quyền lợi cho bên được chuyển giao quyền yêu cầu mà không làm ảnh hưởng đến lợi ích của bên phải thực hiện nghĩa vụ. (Nguyễn Văn Cừ - Trần Thị Huệ, 2017, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Công an nhân dân).
Như vậy, theo quy định tại điều luật thì khi quyền yêu cầu có biện pháp bảo đảm được chuyển giao thì biện pháp bảo đảm đương nhiên được chuyển giao theo mà không cần có sự thỏa thuận của các bên. Quy định này xuất phát từ bản chất của biện pháp bảo đảm là bảo đảm cho nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ được thực hiện đúng. Hơn nữa, khi chuyển giao quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ không thay đổi và với ai thì người mang nghĩa vụ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đó. Chính vì vậy, pháp luật quy định như vậy để đảm bảo sự thuận lợi trong thực hiện nghĩa vụ cũng như bảo đảm được quyền lợi cho bên được chuyển giao quyền yêu cầu mà không làm ảnh hưởng đến lợi ích của bên phải thực hiện nghĩa vụ.
Điều 368. Chuyển giao quyền yêu cầu có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
Trường hợp quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm thì việc chuyển giao quyền yêu cầu bao gồm cả biện pháp bảo đảm đó.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338