Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc có đủ điều kiện về năng lực chủ thể, về ý chí, về nội dung, về hình thức di chúc được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Đối với người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. Hiện nay tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh mà người lập di chúc lựa chọn một trong các loại theo quy định của điều luật trên đây để thể hiện ý chí định đoạt tài sản của mình trong đó; hình thức của di chúc là phương thức biểu đạt ý chí của người lập di chúc, là căn cứ pháp lý làm phát sinh quan hệ thừa kế theo di chúc, là chứng cứ để bảo vệ quyền lợi cho người được chỉ định trong di chúc.
Tại Điều 633 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định di chúc bằng văn bản không có người làm chứng. Theo đó, người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc. Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 Bộ luật Dân sự.
Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, di chúc tại thời điểm được lập khi chỉ có duy nhất người lập di chúc; người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc, nội dung di chúc phải đầy đủ theo quy định pháp luật, vì di chúc không có người làm chứng rất dễ bị giả mạo, tráo đổi, sửa chữa.
Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc, đây chính là loại di chúc do người lập di chúc phải tự tay viết vào bản di chúc, sẽ không chấp nhận đánh máy hoặc lưu trữ dưới dạng nào khác như viết trên máy tính bảng, viết và lưu vào các phần mềm trên điện thoại, máy tính… mà chỉ có thể thể hiện trên bản giấy; vì thế có thể thấy quy định của pháp luật về hình thức của di chúc bằng văn bản không có người làm chứng khá là chặt chẽ.
Nếu lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng thì di chúc này phải thỏa mãn 02 điều kiện:
- Điều kiện thứ nhất, người để lại di sản thừa kế tự tay viết bản di chúc;
- Điều kiện thứ hai, người này phải tự tay ký vào bản di chúc.
Ở mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký của người lập di chúc, quy định chặt chẽ và khắt khe nhằm tránh tình trạng di chúc của người để lại di sản bị người khác sửa đổi, thay thế, bị giả mạo… Trong trường hợp cần kiểm tra tính xác thực bản di chúc nếu tranh chấp xảy ra thì có thể giám định chữ viết trong bản di chúc, chữ ký trong bản di chúc làm căn cứ.
Vậy trong trường hợp nếu người lập di chúc đã tự tay viết bản di chúc nhưng không ký vào bản di chúc mà thay vào đó là điểm chỉ vào bản di chúc thì di chúc đó có giá trị hay không? Hoặc thậm chí người đó đã tự tay mình viết bản di chúc nhưng lại không ký vào bản di chúc, nếu xét theo quy định của Bộ luật Dân sự thì di chúc được lập như vậy sẽ vi phạm quy định về điều kiện hình thức và sẽ bị vô hiệu. Thực tế nhiều trường hợp chỉ một mình người lập di chúc biết về nội dung di chúc, nên để có thể làm cơ sở, làm bằng chứng cho việc phân chia di sản thừa kế, bản di chúc này phải do người lập di chúc tự viết và ký vào bản di chúc. Việc một người đã tự tay mình viết bản di chúc thì cũng sẽ thuận lợi trong việc ký vào bản di chúc mà không xem xét đến vấn đề điểm chỉ.
Nhưng nếu bắt buộc rằng phải có chữ ký trong bản di chúc mà không xem xét đến vấn đề điểm chỉ hoặc thậm chí không cần chữ ký thì dường như quy định đang không mang tính linh hoạt. Trong Án lệ số 07/2016/AL Bên mua chưa ký tên vào hợp đồng mua bán nhưng bên mua là người giữ hợp đồng thì hướng giải quyết của Tòa án là vẫn công nhận hợp đồng mua bán. Mặc dù mối quan hệ hợp đồng có tính chất hoàn toàn trái ngược với hành vi lập di chúc, song Án lệ này chứng minh một vấn đề, hợp đồng thiếu đi một chữ ký thì vẫn có thể dựa vào các chứng cứ khác để xác định ý chí của các bên khi giao kết hợp đồng.
Trường hợp đối với di chúc khi đã có chứng cứ chứng minh rằng di chúc là do tự bản thân người để lại di sản thừa kế viết, di chúc đúng với ý chí của người để lại di sản thừa kế thì việc có chữ ký hay không có chữ ký, được điểm chỉ thay vì là ký sẽ không còn là quan trọng nữa. Mặt khác chữ ký của con người có thể khác nhau theo thời gian. Vì vậy, việc xác định chữ ký của người lập di chúc là một vấn đề không đơn giản. Trong khi đó tính chính xác của việc điểm chỉ có độ tin cậy cao hơn so với chữ ký, vì điểm chỉ để lại dấu vân tay mà dấu vân tay thì khoa học hình sự đã chứng minh được tính cá biệt của nó. Dấu vân tay của một người cụ thể được thể hiện trên giấy chứng minh nhân dân của người đó được lưu giữ ở cơ quan công an; nên nếu có tranh chấp xảy ra thì việc xác định dấu vân tay để lại trên di chúc lúc đó có đúng là của người để lại di sản hay không là việc làm đơn giản hơn, chính xác hơn so với việc giám định chữ ký của người để lại di chúc. (Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (2021), Hình thức của di chúc theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015).
Điều 633. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng
Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc.
Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 của Bộ luật này.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338