Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật Dân sự để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Tại Điều 50 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định điều kiện của pháp nhân làm người giám hộ. Theo đó, pháp nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ: Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ; Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ. Cụ thể điều kiện để pháp nhân trở thành người giám hộ gồm:
(1) Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ:
Theo đó, pháp nhận có năng lực pháp luật dân sự từ thời điểm được thành lập hoặc được cho phép thành lập đúng quy định. Riêng trường hợp pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân đó sẽ bắt đầu từ thời điểm được ghi vào sổ đăng ký hoạt động và chấm dứt kể từ thời điểm chấm dứt pháp nhân.
Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân trong việc giám hộ là khả năng của pháp nhân đó có các quyền, nghĩa vụ dân sự, không bị hạn chế, phù hợp với việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi.
Đồng nghĩa, ngành nghề hoặc lĩnh vực hoạt động của pháp nhân đã được phê duyệt phải phù hợp với việc giám hộ người cần được giám hộ. ví dụ, viện dưỡng lão thì giám hộ cho người già neo đơn khi họ không có người giám hộ; trại trẻ mồ côi giám hộ cho trẻ em mồ côi chưa thành niên khi trẻ em này không có người giám hộ hợp pháp khác…
(2) Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ:
Có thể hiểu điều kiện này như sau, nhiệm vụ, chức năng của pháp nhân phù hợp với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ là có đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực để chăm sóc, nuôi dưỡng và tạo điều kiện tốt nhất cho người được giám hộ.
Đồng thời, khi không còn đủ điều kiện để giám hộ thì có thể thay đổi người giám hộ. Trong đó, với pháp nhân là người giám hộ thì khi pháp nhân chấm dứt tồn tại, việc thay đổi người giám hộ sẽ được thực hiện. Ngoài ra, việc thay đổi người giám hộ còn được thực hiện trong các trường hợp nêu tại Điều 60 Bộ luật Dân sự:
- Người giám hộ không còn đủ các điều kiện để thực hiện việc giám hộ.
- Người giám hộ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ.
- Người giám hộ đề nghị được thay đổi và có người khác nhận làm người giám hộ.
Trong 15 ngày kể từ khi có người giám hộ mới trong trường hợp thay đổi người giám hộ, pháp nhân phải chuyển giao việc giám hộ cho người thay thế mình. Việc chuyển giao này phải lập thành văn bản, ghi rõ lý do chuyển giao và tình trạng tài sản, các vấn đề khác liên quan… tại thời điểm chuyển giao.
Điều 50. Điều kiện của pháp nhân làm người giám hộ
Pháp nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:
1. Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ.
2. Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338