Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. Bản chất của hợp đồng dịch vụ chính là một giao dịch dân sự, các bên tham gia giao kết trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng theo luật định. Mối quan hệ pháp luật về hợp đồng được hình thành trên cơ sở sự thỏa thuận và thống nhất ý chí của các bên tham gia giao kết. Khi tham gia giao kết hợp đồng, các bên được quyền tự định đoạt tất cả các vấn đề liên quan đến nội dung, hình thức, thậm chí là cả phương thức giải quyết tranh chấp. Phương thức giải quyết tranh chấp được ưu tiên hàng đầu luôn là thương lượng và hòa giải giữa các bên. Tòa án chỉ có quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng khi các bên có yêu cầu và chỉ được giải quyết trong phạm vi yêu cầu.
Tại Điều 514 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, đối tượng của hợp đồng dịch vụ. Theo đó, đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Theo Bộ luật Dân sự hiện hành thì đối tượng chính của hợp đồng dịch vụ là công việc, không phải là tài sản, cho dù công việc đó có thể xoay quanh một tài sản nào đó. Cụ thể đối tượng của hợp đồng dịch vụ bao gồm:
Công việc có thể thực hiện được, bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ. Bên cung ứng dịch vụ tung ra thị trường các sản phẩm dịch vụ mà mình cung cấp, và tiến hành thực hiện công việc đó khi có yêu cầu của khách hàng. Công việc là đối tượng của hợp đồng dịch vụ phải là công việc thực hiện được. Khả năng thực hiện của công việc là bằng hành vi của con người thực hiện công việc đó trong thực tiễn đời sống. Một công việc mà không ai thực hiện được thì không thể trở thành đối tượng của hợp đồng nói chung và hợp đồng dịch vụ nói riêng.
Công việc thực hiện không được vi phạm điều cấm của luật, đối tượng của hợp đồng phải là những tài sản mà pháp luật cho phép chuyển giao, không phải là những tài sản bị cấm, bị hạn chế chuyển giao. Đối với công việc thì phải đảm bảo không phải là công việc vi phạm pháp luật. Công việc được cho là vi phạm pháp luật có thể kể đến như: các công việc bị cấm như mại dâm, môi giới mại dâm… và các dịch vụ mà người thực hiện không đáp ứng điều kiện cung ứng. Đối với dịch mà người thực hiện không đáp ứng điều kiện cung ứng bản chất là vi phạm pháp luật về điều kiện chủ thể.
Công việc thực hiện không được trái với đạo đức xã hội, công việc mà bên cung ứng dịch vụ cung ứng không được xâm phạm đến những truyền thống đạo đức, không được đi ngược lại với những hành vi ứng xử chung. Nếu bên cung ứng dịch vụ chỉ vì lợi ích của mình mà giao kết hợp đồng với bên sử dụng dịch vụ, mà công việc thực hiện trái với đạo đức xã hội thì hợp đồng đó bị xem là vô hiệu.
Điều 514. Đối tượng của hợp đồng dịch vụ
Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338