Hiện nay có nhiều lý do khác nhau mà một cá nhân hay pháp nhân không thể tham gia các quan hệ dân sự mà họ phải nhờ người khác giúp mình thể hiện ý chí và nguyện vọng với chủ thể khác. Để giúp cho các giao dịch dân sự diễn ra bình thường pháp luật cho phép hình thành hợp đồng ủy quyền giữa bên ủy quyền và bên dược ủy quyền, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Theo quy định pháp luật thì hợp đồng ủy quyền làm phát sinh hai mối quan hệ pháp lý cùng tồn tại song song với nhau, đó là (1) quan hệ giữa người ủy quyền và người được ủy quyền; trong quan hệ này, bên được ủy quyền thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền trong phạm vi thẩm quyền theo các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định; (2) quan hệ giữa người được ủy quyền và người thứ ba; người thứ ba là người xác lập giao dịch dân sự với người được ủy quyền; bên được ủy quyền nhân danh bên ủy quyền tham gia xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với bên thứ ba. Bên được ủy quyền có quyền và nghĩa vụ nhất định với người thứ ba của giao dịch. Mục đích của việc ủy quyền là giúp thực hiện công việc của bên ủy quyền. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà bên được ủy quyền không thể thực hiện được công việc đã được giao phó. Trong trường hợp đó, pháp luật cho phép bên bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác.
Tại Điều 569 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền. Theo đó, trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý. Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt. Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.
Trong hợp đồng ủy quyền, cả bên ủy quyền và bên được ủy quyền đều có thể đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền bất cứ lúc nào dù ủy quyền có thù lao hay ủy quyền không có thù lao.
(1) Trường hợp ủy quyền có thù lao, trong trường hợp các bên thỏa thuận về hợp đồng ủy quyền có thù lao, thì việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng của các bên bị ràng buộc bởi quyền nhận và nghĩa vụ trả thù lao, vì thế làm phát sinh thêm trách nhiệm của các bên khi đơn phương chấm dứt hợp đồng.
- Bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất kỳ lúc nào nhưng trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên ủy quyền đã thực hiện; khi xác lập hợp đồng các bên có thể thỏa thuận về tiền thù lao khi bên được ủy quyền hoàn thành công việc. Hợp đồng chấm dứt khi họ mới hoàn thành một phần công việc đó, thì tiền công họ được hưởng tương ứng với công sức đã bỏ ra đó là điều hoàn toàn hợp lý; trường hợp việc chấm dứt thực hiện hợp đồng gây thiệt hại cho bên được ủy quyền thì bên ủy quyền còn phải chịu trách nhiệm bồi thường, thiệt hại xảy ra có thể chính là lợi ích mà bên được ủy quyền đáng lẽ nhận được khi hoàn thành hợp đồng, nhưng vì bên ủy quyền chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nên họ không thể đạt được lợi ích như mong muốn; bên được ủy quyền là chủ thể trực tiếp tham gia giao dịch với người thứ ba, việc hợp đồng ủy quyền chấm dứt đồng thời làm chấm dứt tư cách chủ thể trong quan hệ với người thứ ba của bên được ủy quyền; việc thông báo nhằm đảm bảo bên thứ ba được biết, tránh tình trạng giao dịch với chủ thể không có thẩm quyền gây nên thiệt hại; nếu bên ủy quyền không thông báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực và bên ủy quyền phải chịu trách nhiệm.
- Bên được ủy quyền cũng có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất kỳ lúc nào, bên được ủy quyền vì lý do nào đó mà không thể tiếp tục thực hiện công việc ủy quyền được nữa, lúc này họ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, khi một bên chấm dứt thực hiện hợp đồng thì phải thông báo cho bên kia biết trong một khoảng thời gian hợp lý, để bên kia kịp thời chuẩn bị phương án đối ứng tránh xảy ra thiệt hại. Trường hợp việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng mà gây thiệt hại cho bên ủy quyền, thì bên được ủy quyền phải bồi thường thiệt hại; trường hợp bồi thường thiệt hại của bên được ủy quyền cũng giống như trách nhiệm của bên ủy quyền khi đơn phương chấm dứt hợp đồng.
(2) Trường hợp ủy quyền không có thù lao, trong trường hợp các bên thỏa thuận về hợp đồng ủy quyền không có thù lao, thì việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng của các bên không bị ràng buộc bởi quyền nhận và nghĩa vụ trả thù lao; các bên đều có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất kỳ lúc nào, nhưng phải thông báo trước cho bên còn lại một khoảng thời gian hợp lý; hợp đồng ủy quyền không có đền bù thường phát sinh giữ những chủ thể thân quen, việc ủy quyền mang tính chất tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn trước mắt, không mang mục đích kinh tế; trường hợp ủy quyền có thù lao do cả hai bên đều hướng tới lợi ích nhất định, nên việc thực hiện nghĩa vụ của một bên đòi hỏi bên kia phải đáp ứng quyền cho mình; việc chấm dứt hợp đồng đơn phương có thể khiến cho họ không đạt được mục đích khi tham gia hợp đồng, nên mới làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trong khi ủy quyền không có đền bù, bên được ủy quyền thực hiện công việc ủy quyền không thu lợi ích gì cho mình, vì thế khi bên ủy quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng không làm ảnh hưởng tới lợi ích của bên được ủy quyền; còn đối với bên ủy quyền, vốn dĩ được bên được ủy quyền thực hiện công việc thay mà không phải trả lại bất kỳ lợi ích gì cho họ, nên khi bên được ủy quyền chấm dứt hợp đồng trước thời hạn họ không có quyền yêu cầu được bồi thường.
Điều 569. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền
1. Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.
Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.
2. Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338