Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản. Hợp đồng hợp tác ra đời trên cơ sở thỏa thuận của các bên.
Bản chất của hợp đồng hợp tác là sự liên kết của các thành viên hợp tác cùng thực hiện một công việc. Để thực hiện công việc này, mỗi thành viên có thể thỏa thuận đóng góp một phần tài sản và cùng tạo lập khối tài sản chung theo phần của các thành viên. Tài sản đóng góp có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá hoặc quyền tài sản; giống như các hợp đồng dân sự khác, hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các bên tham gia, các bên thỏa thuận nội dung cơ bản trong hợp đồng, quy định đối tượng, mục đích cũng như quyền và nghĩa vụ của chủ thể. Điểm đặc trưng trong hợp đồng hợp tác là quyền và nghĩa vụ của các bên không đối lập nhau. Các chủ thể tham gia hợp đồng hợp tác thường có quyền, nghĩa vụ như nhau.
Ngược lại với quá trình rút khỏi hợp đồng hợp tác là việc gia nhập hợp đồng, nếu như rút khỏi hợp đồng hợp tác là căn cứ chấm dứt tư cách chủ thể hợp đồng của bên rút khỏi thì gia nhập hợp đồng hợp tác là căn cứ để xác lập tư cách chủ thể hợp đồng của chủ thể đã gia nhập. Điều 511 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về vấn đề gia nhập hợp đồng hợp tác. Theo đó, trường hợp hợp đồng hợp tác không quy định khác thì một cá nhân, pháp nhân trở thành thành viên mới của hợp đồng nếu được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác. Theo quy định này, việc gia nhập hợp đồng hợp tác dựa trên hai căn cứ sau:
(1) Trường hợp các bên có thỏa thuận điều kiện gia nhập hợp đồng hợp tác, các thành viên có thể thỏa thuận về điều kiện gia nhập hợp đồng hợp tác. Như vậy, cá nhân, pháp nhân mong muốn tham gia hợp đồng chỉ cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện đó thì đều có thể gia nhập hợp đồng hợp tác. Điều kiện này được các bên dự liệu trước và thỏa thuận từ khi đàm phán nội dung điều khoản của hợp đồng. Các điều kiện phải được ghi nhận trong nội dung của hợp đồng để đảm bảo tính pháp lý, vì bản thân hợp đồng hợp tác cũng bắt buộc phải lập thành văn bản, sự ghi nhận điều kiện gia nhập của thành viên mới trong nội dung của hợp đồng là cơ sở để các thành viên khác công nhận, tránh việc xảy ra tranh chấp.
(2) Trường hợp các bên không có thỏa thuận điều kiện gia nhập hợp đồng hợp tác, nếu trường hợp các chủ thể không thỏa thuận về điều kiện gia nhập của thành viên mới trong hợp đồng, thì người có nhu cầu tham gia hợp đồng sẽ được tham gia nếu hơn một nửa thành viên hợp tác đồng ý. Sự đồng ý của hơn một nửa số thành viên vừa đảm bảo tính khách quan, vừa tạo điều kiện cho chủ thể mong muốn tham gia có cơ hội trở thành thành viên mới. Nếu hơn một nửa số thành viên đồng ý chứng tỏ việc gia nhập thêm thành viên mới hoàn toàn không là ảnh hưởng đến công việc hợp tác, mà cũng dễ dàng hơn cho chủ thể mong muốn gia nhập. Quy định này vừa thể hiện đúng bản chất thể hiện ý chí của các bên chủ thể trong hợp đồng và đồng thời bảo đảm quyền của tất cả các thành viên trong hợp đồng hợp tác.
Điều 511. Gia nhập hợp đồng hợp tác
Trường hợp hợp đồng hợp tác không quy định khác thì một cá nhân, pháp nhân trở thành thành viên mới của hợp đồng nếu được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338