Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc có đủ điều kiện về năng lực chủ thể, về ý chí, về nội dung, về hình thức di chúc được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Đối với người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. Hiện nay tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh mà người lập di chúc lựa chọn một trong các loại theo quy định của điều luật trên đây để thể hiện ý chí định đoạt tài sản của mình trong đó; hình thức của di chúc là phương thức biểu đạt ý chí của người lập di chúc, là căn cứ pháp lý làm phát sinh quan hệ thừa kế theo di chúc, là chứng cứ để bảo vệ quyền lợi cho người được chỉ định trong di chúc.
Tại Điều 648 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc giải thích nội dung di chúc. Theo đó, trường hợp nội dung di chúc không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau thì những người thừa kế theo di chúc phải cùng nhau giải thích nội dung di chúc dựa trên ý nguyện đích thực trước đây của người chết, có xem xét đến mối quan hệ của người chết với người thừa kế theo di chúc. Khi những người này không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Trường hợp có một phần nội dung di chúc không giải thích được nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của di chúc thì chỉ phần không giải thích được không có hiệu lực.
Từ quy định tại Điều 648 Bộ luật Dân sự năm 2015 có thể thấy di chúc cần phải giải thích khi nội dung không rõ ràng dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau. Nội dung không rõ ràng có thể hiểu là không cụ thể, cách diễn đạt phức tạp, khó hiều hoặc hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau; không chỉ với di chúc mà với nhiều loại văn bản khác cần thiết phải có nội dung rõ ràng, rành mạch để nhiều người đọc chỉ đi theo một hướng nhất định, như vậy mới đảm bảo không xảy ra tranh chấp. Đa phần con người thường là vì lợi ích của bản thân, đặc biệt trong trường hợp chia di sản thừa kế, thì những người thừa kế đương nhiên sẽ hiểu theo cách mà họ được lợi nhất; mỗi người một ý kiến, mỗi người một quan điểm thì sẽ không thể thống nhất đi đến một quyết định chung để tiến hành chia di sản được, nên giải thích nội dung di chúc là một biện pháp quan trọng và cần thiết.
Chủ thể giải thích là những người thừa kế, theo quy định của pháp luật thì chủ thể có quyền giải thích nội dung di chúc là những người thừa kế; những người thừa kế chính là những người có liên quan đến nội dung di chúc, quyền lợi, nghĩa vụ của họ gắn với nội dung di chúc; cũng chính họ là người gần gũi, thân thiết với người để lại di sản, do đó họ có thể sẽ hiểu rõ hơn về nguyện vọng, mong muốn của lập di chúc; nên pháp luật quy định họ là chủ thể đầu tiên có quyền giải thích nội dung của di chúc.
Chủ thể giải thích là Tòa án, Tòa án giải thích nội dung di chúc khi những người thừa kế không thống nhất được cách hiểu chung; những người thừa kế cũng là vì quyền lợi của mình nên việc thống nhất được một cách hiểu chung, nhằm hài hòa lợi ích các bên thực sự là rất khó. Tòa án với tư cách là cơ quan giải quyết các tranh chấp, đứng trên quyền, lợi ích của tất cả các bên, sẽ quyết định một cách hiểu chung cho nội dung của di chúc. Quyết định của Tòa án là cơ quan quyền lực Nhà nước mang tính bắt buộc đối với tất cả các chủ thể.
Hiện nay pháp luật không quy định cụ thể nội dung di chúc phải được giải thích theo điều kiện nào mà chỉ quy định là dựa trên ý nguyện đích thực của người chết, có xem xét đến mối quan hệ của người chết với người thừa kế theo di chúc. Ngoài ra còn phải dựa trên cả quá trình khi người còn sống lập di chúc, những biểu hiện bằng hành vi, lời nói và mối quan hệ giữa họ với những người thừa kế, vì thế mới có cái nhìn toàn diện, tổng thể khách quan và đưa ra được cách hiểu cụ thể, sát với ý chí của người để lại di sản.
Trường hợp những người thừa kế không thể thống nhất một cách hiểu chung thì Tòa án sẽ tiến hành giải quyết, thực tế có rất nhiều trường hợp nội dung di chúc không thể giải thích hết được, vì rất nhiều lý do khác nhau; vì thế nếu một phần nội dung di chúc không giải thích được mà phần đó không ảnh hưởng đến các phần còn lại của bản di chúc thì chỉ phần không giải thích được không có hiệu lực pháp luật; hậu quả pháp lý đối với phần di sản có liên quan đến phần di chúc không có hiệu lực pháp luật này sẽ được áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Điều 648. Giải thích nội dung di chúc
Trường hợp nội dung di chúc không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau thì những người thừa kế theo di chúc phải cùng nhau giải thích nội dung di chúc dựa trên ý nguyện đích thực trước đây của người chết, có xem xét đến mối quan hệ của người chết với người thừa kế theo di chúc. Khi những người này không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trường hợp có một phần nội dung di chúc không giải thích được nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của di chúc thì chỉ phần không giải thích được không có hiệu lực.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338