Language:
Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (Điều 127)
01/03/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

 

Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép là một trong những trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do không đáp ứng điều kiện về ý chí tự nguyện của chủ thể xác lập giao dịch dân sự, được quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015.

 

Phân tích:

 

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

 

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình. Do vậy, các chủ thể bị đe dọa, lừa dối, cưỡng ép khi thực hiện giao dịch dân sự sẽ thực hiện các hành vi không phải xuất phát từ tính tự nguyện mà là do bị ép buộc bởi người khác. 

 

Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối là giao dịch vô hiệu tương đối, khi có yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Lừa dối là hành vi cố ý của một bên trong giao dịch hoặc hành vi của người thứ ba nhằm làm cho một bên trong giao dịch hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch nên đã xác lập giao dịch.

 

Lừa dối về chủ thể tham gia giao dịch là lừa về khả năng thực hiện giao dịch, điều kiện về tài sản, về chuyên môn, về kinh nghiệm của chủ thể, hiểu sai lệch về tính chất của đối tượng. Đối tượng của giao dịch không đạt tiêu chuẩn về chất lượng, hình thức, giá trị, số lượng, phạm vi công việc… nhưng một bên của giao dịch hoặc người thứ ba cố ý lừa dối để một bên của giao dịch hình dung sai về đối tượng cho nên xác lập giao dịch.

 

Nội dung của giao dịch có nhiều điều khoản về đối tượng, giá cả, thời hạn, phương thức thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên trong giao dịch hoặc quyền và lợi ích của ngườ thứ ba bị một bên chủ thể xác lập giao dịch có ý lừa dối nhằm chiếm đoạt tài sản của bên kia trái với ý chí của bên có tài sản bị chiếm đoạt.

 

Ngoài hành vi lừa dối, một bên của giao dịch hoặc người thứ ba có hành vi đe dọa, cưỡng ép bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của người bị đe dọa, cưỡng ép tham gia giao dịch hoặc của những người thân thích của người bị đe dọa, cưỡng ép phải tham gia giao dịch.

 

Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự: 

 

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự mà trong đó: (1) Hợp đồng là giao dịch thể hiện ý chí của hai hay nhiều bên nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự; (2) Hành vi pháp lý đơn phương là giao dịch thể hiện ý chí chủ quan của một chủ thể mà không có sự thỏa thuận, đàm phán với các bên liên quan, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các chủ thể trong giao dịch dân sự mà họ tham gia. Ví dụ như lập di chúc, từ chối hưởng di sản thừa kế...

 

Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: (1) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; (2) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; (3) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

 

Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép sẽ không đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định về mặt chủ thể, mục đích, nội dung của một giao dịch theo quy định pháp luật. Vì vậy, về nguyên tắc, giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép sẽ không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên từ thời điểm xác lập (khi giao dịch dân sự vô hiệu, quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ không được pháp luật bảo vệ). Các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu như khi chưa xác lập giao dịch, nếu giao dịch chưa được thực hiện thì các bên không được thực hiện giao dịch đó. Nếu giao dịch đã được thực hiện toàn bộ hay một phần thì các bên không được tiếp tục thực hiện giao dịch và phải hoàn trả cho nhau những lợi ích vật chất đã nhận của nhau.

 

Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.

 

Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338