Language:
Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội (Điều 123)
27/02/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

 

Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội là gì?

 

Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội là trường hợp giao dịch dân sự không có hiệu lực, tức giao dịch không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên trong giao dịch do có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái với đạo đức xã hội. Những giao dịch không nhằm làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự như giao dịch tưởng tượng, giao dịch giả cách… đều là những giao dịch có mục đích trái pháp luật. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội được quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015.

 

Phân tích:

 

Giao dịch dân sự được xác lập nhằm thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần của chủ thể. Nhưng một giao dịch được xác lập với mục đích gây thiệt hại đến các quyền nhân thân và quyền tài sản của người khác, vi phạm trật tự công cộng, bóc lột nhau hoặc bóc lột người khác, gây ô nhiễm môi trường, xâm phạm đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của cá nhân, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm lộ bí mật gia đình, quyền riêng tư của cá nhân, chia rẽ khối đoàn kết tàn dân, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự công cộng… thì giao dịch này không thể có hiệu lực và bị vô hiệu. Nhữngiao dịch xác lập với mục đích mua bán những tài sản mà pháp luật cấm lưu thông dân sự, như vũ khí quốc phòng, thuốc phiện và các chất heroin, bộ phận cơ thể người…

 

Những giao dịch không nhằm làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự như giao dịch tưởng tượng, giao dịch giả cách… đều là những giao dịch có mục đích trái pháp luật.

 

Đạo đức là một trong những hình thái sớm nhất của ý thức xã hội gồm những chuẩn mực xã hội điều chỉnh hành vi của con người trong quan hệ với người khác với cộng đồng gia đình, dòng họ, làng xóm, dân tộc và toàn xã hội. Căn cứ vào những chuẩn mực đạo đức, việc đánh giá hành vi của mỗi cá nhân theo các quan niệm về tính thiện, ác về những việc không được làm (nếu làm bị coi là vô đạo đức) và về những việc phải làm (nghĩa vụ tự nhiên và nghĩa vụ pháp lý, nghĩa vụ pháp lý buộc phải làm). Khác với pháp luật, các chuẩn mực đạo đức không ghi thành văn bản pháp quy mang tính cưỡng chế, mệnh lệnh, song được mọi người thực hiện theo ý thức xã hội và lương tâm và dư luận xã hội. Với những phân tích về đạo đức xã hội như vậy, nếu việc xác lập một giao dịch vi phạm những chuẩn mực đạo đức, thì giao dịch đó vô hiệu. Ví dụ, hợp đồng đâm thuê, chém mướn vừa vi phạm pháp luật và đồng thời vi phạm đạo đức xã hội.

 

Giao dịch có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội bị vô hiệu toàn bộ và vô hiệu từ thời điểm xác lập giao dịch.

 

Với sự giải thích về điều cấm của luật và đạo đức xã hội tại Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015 cho thấy pháp luật Việt Nam cấm những hành vi nào hay nói cách khác những hành vi nào ở Việt Nam là vi phạm pháp luật và phải có một nhận thức cơ bản của con người trong xã hội về chuẩn mực ứng xử chung. Những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng đó là gì? Với đời sống xã hội loài người từ khi xuất hiện đến nay chuẩn mực ứng xử luôn thay đổi, phát triển theo thời gian vì vậy tại một thời điểm nào đó một ứng xử có thể được xem là phù hợp hoặc không phù hợp tại một thời điểm khác. Khi áp dụng nguyên nhân này để tuyên bố vô hiệu một giao dịch dân sự Thẩm phán sẽ phải xem xét trên nhận định cá nhân cũng như của dư luận xã hội để phán quyết chứ không hề có một cơ sở pháp lý nào quy định.

 

Ví dụ, về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật: "H là người chơi cá độ bóng đá do M tổ chức. H có ký giấy tờ ghi nợ với M theo thỏa thuận, H thua cá độ không có tài sản để trả cho M, nên M đã tìm H để đòi nợ. Cá độ và tổ chức cá độ bóng đá được coi là hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc nên đều là những hành vi bị pháp luật cấm, thì đương nhiên trong trường hợp này giao dịch ký giấy tờ ghi nợ giữa H và M là giao dịch sẽ không có giá trị, là giao dịch bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, bởi hành vi cá độ và tổ chức cá độ có tùy tính chất, mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự".

 

Điều 123. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội

Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

 

Liên hệ tư vấn và mời luật sư: 0936683699 - 0983951338