Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc có đủ điều kiện về năng lực chủ thể, về ý chí, về nội dung, về hình thức di chúc được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Đối với người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. Hiện nay tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh mà người lập di chúc lựa chọn một trong các loại theo quy định của điều luật trên đây để thể hiện ý chí định đoạt tài sản của mình trong đó; hình thức của di chúc là phương thức biểu đạt ý chí của người lập di chúc, là căn cứ pháp lý làm phát sinh quan hệ thừa kế theo di chúc, là chứng cứ để bảo vệ quyền lợi cho người được chỉ định trong di chúc.
Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống, người được hưởng di sản là người thừa kế và mọi người đều bình đẳng với nhau trong việc hưởng thừa kế, việc phân chia di sản thừa kế đã được pháp luật quy định khá cụ thể, theo hai hình thức là: theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Tại Điều 661 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc hạn chế phân chia di sản. Theo đó, trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia. Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.
Việc hạn chế phân chia di sản là việc phân chia di sản sau một quãng thời gian nhất định, phụ thuộc vào ý chí của người để lại di sản, theo thỏa thuận của những người thừa kế hoặc theo quy định của pháp luật. Hạn chế phân chia di sản xảy ra đối với cả phân chia di sản theo di chúc và phân chia di sản theo pháp luật. Căn cứ vào quy định tại Điều 661 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì di sản sẽ bị hạn chế chia trong 03 trường hợp, cụ thể:
(1) Theo ý chí của người để lại di sản: Theo quy định, khi lập di chúc người để lại di sản có quyền quy định về thời điểm chia di sản là sau một khoảng thời gian nhất định hoặc sau một sự kiện mà họ xác định sẽ xảy ra trong tương lai; thường thì sau thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có quyền yêu cầu chia di sản, tuy nhiên trong trường này họ không có quyền yêu cầu hoặc yêu cầu không được chấp nhận trước khi xảy ra sự kiện hoặc trước thời hạn, mà người để lại di chúc đã yêu cầu trong nội dung của di chúc; di sản chỉ được chia sau quãng thời gian hoặc sự kiện đã được quy định trong di chúc theo ý chí của người để lại di sản.
(2) Theo thỏa thuận của những người thừa kế: Trường hợp này những người thừa kế theo di chúc và theo pháp luật có thể thỏa thuận với nhau về việc chia di sản sau một thời hạn nhất định hoặc một sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai; thỏa thuận của người thừa kế về hạn chế phân chia di sản có thể xảy ra cả trong trường hợp chia di sản theo chúc, người để lại di chúc không xác định việc hạn chế phân chia di sản và phân chia di sản theo pháp luật. Người thừa kế có thể chưa thể tiếp nhận di sản ngày mà cần có thời gian chuẩn bị, vì quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi để họ có thể tiếp nhận di sản thừa kế; cần lưu ý trong trường hợp này là thỏa thuận về hạn chế phân chia di sản phải có sự đồng ý của tất cả những người thừa kế, đồng nghĩa với việc chỉ một người thừa kế phản đối thì thỏa thuận không có hiệu lực.
(3) Theo yêu cầu của vợ hoặc chồng còn sống: Theo quy định thì vợ hoặc chồng có thể yêu cầu Tòa án quyết định hạn chế phân chia di sản nếu xét thấy việc phân chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình; chủ thể có quyền yêu cầu là vợ hoặc chồng mà không cần có sự thỏa thuận, đồng ý của những người thừa kế khác, với điều kiện là người yêu cầu phải chứng minh việc chia di sản sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của họ và gia đình;.
Tường hợp này áp dụng khi người để lại di sản không lập di chúc hoặc có lập di chúc nhưng không thể hiện ý chí hạn chế thời hạn phân chia di sản; thời hạn tối đa là 03 năm kể từ thời điểm mở thừa kế, hết thời hạn này nếu vợ hoặc chồng chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ và gia đình thì có thể yêu cầu Tòa án gia hạn thêm thời hạn nhưng không quá 03 năm; pháp luật quy định về thời hạn như vậy để đảm bảo cho người yêu cầu có đủ thời gian để chuẩn bị, hạn chế ảnh hưởng của việc chia di sản đến cuộc sống của mình hoặc gia đình; yêu cầu chia di sản của những người thừa kế khác trong quãng thời gian này không được chấp nhận.
Như vậy, có thể thấy theo quy định tại Điều 661 Bộ luật Dân sự 2015, việc hạn chế phân chia di sản chỉ đặt ra nếu việc phân chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình, hạn chế này hướng đến là vợ hoặc chồng của người thừa kế, không phải bất kỳ người thừa kế nào cũng được quyền yêu cầu hạn chế phân chia di sản.
Điều 661. Hạn chế phân chia di sản
Trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.
Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338