Language:
Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu (Điều 131)
03/03/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

 

Theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Trong đó, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015. Thông thường, hành vi pháp lý đơn phương được hiểu là sự thể hiện ý chí của một bên làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Ví dụ: lập di chúc, hứa thưởng...

 

Theo Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015, các hình thức của giao dịch dân sự bao gồm: Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể; Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản; Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

 

Phân tích:

 

Theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì giao dịch dân sự vô hiệu là giao dịch không có một trong các điều kiện được quy định như chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định. Theo các quy định tại chương 8 về giao dịch dân sự, về giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch sẽ bị “tuyên bố vô hiệu” chứ không có quy định “hủy giao dịch”.

 

Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định này có tính nguyên tắc chung cho việc xử lý hậu quả của giao dịch vô hiệu, đó là: Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch dân sự được xác lập. Như vậy, khi giao dịch dân sự vô hiệu là mọi thỏa thuận coi như không có, khác với trường hợp “chấm dứt giao dịch” là trường hợp trước thời điểm chấm dứt giao dịch thì giao dịch có hiệu lực, các thỏa thuận của các bên vẫn có giá trị bắt buộc với các bên đến khi chấm dứt giao dịch dân sự, việc thực hiện đúng giao dịch dân sự  trước thời điểm chấm dứt giao dịch dân sự phải được tôn trọng.

 

Tại khoản 2 Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận và trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả; theo quy định này thì việc trả lại hiện vật là ưu tiên, không thể trả bằng hiện vật thì mới trả bằng tiền. Trong thực tế, nhiều khi tài sản không còn nguyên vẹn như khi giao nhưng tài sản chính vẫn còn thì vẫn phải trả, phải nhận, được bổ sung bằng việc thanh toán cho nhau những chi phí hợp lý. Đó là hướng xử lý phù hợp với nguyên tắc quy định ở khoản 1 Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015.

 

Cũng tại khoản 3 Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó; khái niệm hoa lợi, lợi tức được quy định tại Điều 109 Bộ luật Dân sự năm 2015, cũng cần lưu ý phân biệt lợi tức là “khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản” với giá trị tăng thêm của tài sản do thị trường. Ví dụ: Ngôi nhà được vợ chồng ông H mua, ông H đứng ra cho thuê mỗi tháng được 50 triệu, thì khoản tiền cho thuê nhà này lợi tức.

 

Tại khoản 4 Điều 131 Bộ luật Dan sự năm 2015 quy định bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường, lỗi là lỗi đối với thiệt hại nhưng cụ thể trong giao dịch vô hiệu thì thiệt hại là gì và xác định lỗi như thế nào. Thiệt hại vẫn xác định theo những quy định chung về xác định thiệt hại nhưng từ Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán thì thiệt hại từ giao dịch vô hiệu còn bao gồm chênh lệch giá tài sản từ thời điểm giao dịch đến thời điểm giải quyết hậu quả giao dịch vô hiệu, lỗi được xác định là lỗi làm cho giao dịch dân sự vô hiệu chứ không phải là lỗi vi phạm.

 

Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338