Di chúc được xem xét là một giao dịch dân sự đơn phương. Là một giao dịch dân sự nếu muốn được thừa nhận là có hiệu lực pháp luật thì phải đáp ứng bốn điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự nói chung theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015. Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc có đủ điều kiện về năng lực chủ thể, về ý chí, về nội dung, về hình thức di chúc được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Đối với người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. Hiện nay tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh mà người lập di chúc lựa chọn một trong các loại theo quy định của điều luật trên đây để thể hiện ý chí định đoạt tài sản của mình trong đó; hình thức của di chúc là phương thức biểu đạt ý chí của người lập di chúc, là căn cứ pháp lý làm phát sinh quan hệ thừa kế theo di chúc, là chứng cứ để bảo vệ quyền lợi cho người được chỉ định trong di chúc.
Tại Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hiệu lực của di chúc. Theo đó, di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp: Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực. Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.
Thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm phát sinh việc chia di sản thừa kế theo nội dung của di chúc. Người có di sản có thể lập di chúc bất kỳ khi nào, tuy nhiên nó chỉ phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên khi người lập di chúc chết, thời điểm đó gọi là thời điểm mở thừa kế; di chúc chỉ có hiệu lực sau khi người lập di chúc chết bởi vì, bản chất của di chúc là ý chí định đoạt tài sản của chủ thể sau khi họ chết đi, pháp luật quy định về việc lập di chúc, để người có di sản vẫn có thể định đoạt tài sản của mình sau khi chết.
Trường hợp di chúc không có hiệu lực một phần hoặc toàn bộ: Hiệu lực của pháp luật được thể hiện khi di chúc được áp dụng vào thực tế chia di sản, được pháp luật công nhận và bảo hộ; song di chúc cũng có thể thể không có hiệu lực khi rơi vào một trong 02 trường hợp:
- Trường hợp người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc, bản chất của thừa kế là để lại tài sản cho người còn sống, để họ tiếp tục sử dụng tài sản, nhằm khai thác lợi ích từ tài sản đó, tài sản phải được trao cho những chủ thể có khả năng, điều kiện để khai thác lợi ích từ tài sản; trong trường hợp người thừa kế đã chết trước hoặc cùng lúc với người để lại di sản thì họ được xem không có khả năng nắm giữ, sử dụng tài sản. Nên phần nội dung của di chúc chia tài sản cho họ sẽ không có hiệu lực, vì trên thực tế họ sẽ không được chia di sản; nếu những người thừa kế theo di chúc đều chết hết thì di chúc sẽ không có hiệu lực toàn bộ. Bên cạnh đó, cần phải phân biệt với trường hợp người thừa kế chết sau thời điểm mở thừa kế, khi đó tại thời điểm mở thừa kế họ vẫn có khả năng sở hữu, sử dụng, chiếm hữu tài sản, nếu sau thời điểm mở thừa kế mà họ chết thì tài sản của họ sẽ được để thừa kế cho những người thừa kế của họ.
- Trường hợp người thừa kế là cơ quan, tổ chức không còn tồn tại tại thời điểm thừa kế, cũng giống như trường hợp trên, tuy nhiên cơ quan, tổ chức sẽ không chết về mặt sinh học như con người mà chết về mặt pháp lý. Cơ quan, tổ chức là một tập thể gồm nhiều chủ thể khác nhau, hoạt động dưới hình thức tập trung, thống nhất do một hoặc nhiều chủ thể làm đại diện; cơ quan, tổ chức không còn tồn tại là khi chấm dứt hoạt động, không còn trên thực tế nữa, mọi hoạt động cũng không còn. Thời điểm này sẽ không thể chia di sản cho cơ quan, tổ chức được nữa, và đương nhiên phần nội dung của di chúc về việc để thừa kế di sản cho cơ quan, tổ chức đó sẽ không còn hiệu lực, vì chủ thể hưởng di sản không còn.
Di chúc không có hiệu lực khi di sản không còn hoặc chỉ còn một phần tại thời điểm mở thừa kế, đối tượng của thừa kế là di sản của người có di sản để lại khi chết, khi đối tượng quả một quan hệ pháp luật không còn bất kể là do nguyên nhân chủ quan hay khách quan thì quan hệ dân sự đó sẽ vô hiệu; không thể tiến hành chia di sản khi trên thực tế di sản đã không còn tồn tại, vì vậy di chúc sẽ không có hiệu lực pháp luật. Song trong nhiều trường hợp di sản chỉ còn một phần, thì phần nội dung di chúc về phần di sản đó vẫn có hiệu lực, phần còn lại thì vô hiệu.
Hiệu lực của di chúc khi có phần không hợp pháp: Di chúc không hợp pháp khi vi phạm các nội dung về tính hợp pháp của di chúc theo quy định tại điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015; người để lại di chúc đã chết nên không thể yêu cầu họ lập lại một bản di chúc mới, nên pháp luật quy định nội dung của di chúc có thể được chia làm nhiều phần khác nhau, để khi một phần nội dung của di chúc không hợp pháp sẽ không ảnh hưởng đến phần còn lại. Điều này phải dựa trên cơ sở phần nội dung không hợp pháp của di chúc không làm ảnh hưởng đến phần còn lại. Trên thực tế hầu hết các quan hệ dân sự khác pháp luật đều quy định như vậy, vì hiểu biết của các chủ thể về pháp luật còn hạn hẹp, có thể chỉ một lỗi nhỏ cũng dẫn đến một điều khoản nào đó vi phạm pháp luật, cho nên quy định trên nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của các chủ thể, cũng như hạn chế thiệt hại có thể xảy ra.
Hiệu lực của di chúc khi một người để lại nhiều bản di chúc: Người lập di chúc có thể thay thế bản di cũ bằng bản di chúc mới, nhưng nếu người để lại di chúc quên không hủy bỏ bản di chúc cũ dẫn đến tình trạng có nhiều bản di chúc cùng định đoạt một tài sản. Trường hợp này sẽ áp dụng quy tắc về thay thế di chúc, thì di chúc được lập mới nhất sẽ có hiệu lực pháp luật.
Điều 643. Hiệu lực của di chúc
1. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.
2. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:
a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.
3. Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
4. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.
5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338