Hiện nay thông thường các giao dịch dân sự có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, tuy nhiên đối với hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất các bên phải lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực nhưng hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực từ thời điểm đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật đất đai. Việc quy định thời điểm có hiệu lực này đảm bảo hỗ trợ cho hoạt động quản lý nhà nước cũng như buộc các chủ thể phải tuân thủ nghĩa vụ khai báo đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, việc quy định này cũng nhằm hạn chế các tranh chấp phát sinh liên quan đến giao dịch về quyền sử dụng đất - luôn được coi là một tài sản quan trọng, có giá trị lớn đối với các chủ thể trong đời sống kinh tế - xã hội.
Hợp đồng về quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật Đất đai cho bên kia; bên kia thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng với người sử dụng đất. Tại Điều 503 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hiệu lực của việc chuyển quyền sử dụng đất.
Việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký theo quy định của Luật Đất đai. Trong hợp đồng về quyền sử dụng đất các bên phải lập thành văn bản, ngoài ra có thể phải công chứng, chứng thực theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; nên hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Khi thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất, nghĩa vụ đăng ký tại ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất để vào sổ theo dõi biến động đất đai là nghĩa vụ mang tính chất bắt buộc.
Thời điểm này các bên có thể đã hoặc chưa chuyển giao cho nhau quyền sử dụng phần diện tích đất đã thỏa thuận, chỉ cần các bên tiến hành đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì hợp đồng đương nhiên phát sinh hiệu lực, khi hợp đồng về quyền sử dụng đất được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, thì cơ quan Nhà nước đó quyền kiểm tra tính hợp pháp của hợp đồng về nội dung, hình thức, thủ tục… sau đó mới ghi vào sổ đăng ký. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào sổ đăng ký đã ghi nhận để quản lý chặt chẽ những biến động về đất đai. Quy định thời điểm có hiệu lực như vậy để đảm bảo phù hợp với tính chất của quyền sử dụng đất, hỗ trợ cho hoạt động quản lý Nhà nước, cũng như ràng buộc trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện nghĩa vụ khai báo đối với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Việc xác định rõ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh liên quan đến giao dịch về quyền sử dụng đất. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là căn để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên. Các bên chỉ được thực hiện quyền của mình khi hợp đồng phát sinh hiệu lực, đồng thời kể từ thời điểm đó bên có nghĩa vụ cũng phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Thời điểm phát sinh hiệu lực cũng là căn cứ để xác định thời hạn kết thúc hợp đồng, cũng là cơ sở để xem xét trách nhiệm của các bên trong việc đã hoàn thành nghĩa vụ.
Điều 503. Hiệu lực của việc chuyển quyền sử dụng đất
Việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký theo quy định của Luật Đất đai.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338