Tại Điều 513 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng dịch vụ. Theo đó, hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Bản chất của hợp đồng dịch vụ chính là một giao dịch dân sự, các bên tham gia giao kết trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng theo luật định. Mối quan hệ pháp luật về hợp đồng được hình thành trên cơ sở sự thỏa thuận và thống nhất ý chí của các bên tham gia giao kết. Khi tham gia giao kết hợp đồng, các bên được quyền tự định đoạt tất cả các vấn đề liên quan đến nội dung, hình thức, thậm chí là cả phương thức giải quyết tranh chấp. Phương thức giải quyết tranh chấp được ưu tiên hàng đầu luôn là thương lượng và hòa giải giữa các bên. Tòa án chỉ có quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng khi các bên có yêu cầu và chỉ được giải quyết trong phạm vi yêu cầu.
Chủ thể của hợp đồng dịch vụ, chủ thể của hợp đồng dịch vụ gồm "Bên sử dụng dịch vụ" và "Bên cung ứng dịch vụ". Chủ thể tham gia giao kết hợp đồng cá nhân, pháp nhân phải có đầy đủ năng lực hành vi và năng lực pháp luật dân sự phù hợp.
Hình thức hợp đồng dịch vụ, hợp đồng dịch vụ được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Đối với các loại hợp đồng dịch vụ mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó. Từ đó, có thể thấy hợp đồng dịch vụ rất đa dạng, tùy theo đối tượng của hợp đồng dịch vụ là gì mà lựa chọn một hình thức phù hợp, đây là loại hợp đồng không khắt khe về mặt hình thức.
Hợp đồng dịch vụ là hợp đồng song vụ, cả bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ đều có quyền và nghĩa vụ của mình, trong đó quyền của bên này tương ứng với nghĩa vụ của bên kia và ngược lại.
Hợp đồng dịch vụ là hợp đồng ưng thuận, có hiệu lực ngay từ thời điểm các bên thỏa thuận xong các điều khoản chủ yếu của hợp đồng.
Hợp đồng dịch vụ là hợp đồng đền bù, khi bên thực hiện nghĩa vụ thực hiện không đúng hợp đồng thì bên có quyền có quyền yêu cầu bên thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.
Đối tượng của hợp đồng dịch vụ, theo Điều 514 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Đối tượng chính của hợp đồng dịch vụ là công việc, không phải là tài sản, cho dù công việc đó có thể xoay quanh một tài sản nào đó. Chẳng hạn như chúng ta thuê luật sư để luật sư bảo hộ chúng ta xoay quanh về vấn đề tranh chấp sử dụng đất thì rõ ràng đây là hợp đồng liên quan đến tài sản nhưng đối tượng chính của hợp đồng là công việc của luật sư. Công việc này có thể có đền bù. Bộ luật Dân sự theo hướng bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ. Người thực hiện công việc tương đối độc lập. Đối tượng của hợp đồng dịch vụ trong thương mại là dịch vụ có phạm vi hẹp hơn đối tượng là công việc của hợp đồng dịch vụ trong dân sự. Dịch vụ đơn thuần là mọi hành vi của chủ thể này thực hiện công việc mang lại hiệu quả có lợi cho chủ thể khác. Dịch vụ là đối tượng của hợp đồng dịch vụ trong thương mại còn phải được thực hiện vì mục đích sinh lời. Nhưng như vậy thì phạm vi của hợp đồng dịch vụ sẽ bao gồm cả những hợp đồng khác như hợp đồng gia công, hợp đồng vận chuyển… nhưng không được trái pháp luật và đạo đức.
Đặc điểm của hợp đồng dịch vụ, có thể coi hợp đồng dịch vụ là hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Thông thường, bên thuê dịch vụ là người hưởng lợi khi bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện công việc dịch vụ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, người thứ ba là người được hưởng lợi từ việc bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc. Hợp đồng dịch vụ có thể cung cấp dịch vụ đơn giản, có thể là dịch vụ phức tạp. Trong hợp đồng dịch vụ giản đơn thì chỉ là mối quan hệ trực tiếp giữa bên thuê dịch vụ và bên cung ứng dịch vụ. Trong hợp đồng dịch vụ phức tạp sẽ có hai quan hệ: quan hệ giữa bên thuê dịch vụ và bên cung ứng dịch vụ (gọi là quan hệ bên trong) và quan hệ giữa người làm dịch vụ và người thứ ba (gọi là quan hệ bên ngoài).
Trong quan hệ bên trong thì các bên phải thỏa thuận cụ thể về nội dung làm dịch vụ theo đó bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện những hành vi nhất định vì lợi ích của bên thuê dịch vụ. Trong quan hệ bên ngoài thì bên cung ứng dịch vụ phải nhân danh mình để tham gia các giao dịch dân sự, mà không được nhân danh bên thuê dịch vụ để giao dịch với người thứ ba. Bên cung ứng dịch vụ hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước người thứ ba, nếu pháp luật không quy định khác hoặc các bên không có thỏa thuận khác.
Điều 513. Hợp đồng dịch vụ
Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338