Hợp đồng hợp tác ra đời trên cơ sở thỏa thuận của các bên. Giống như các hợp đồng dân sự khác, hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các bên tham gia. Các bên thỏa thuận nội dung cơ bản trong hợp đồng, quy định đối tượng, mục đích cũng như quyền và nghĩa vụ của chủ thể. Điểm đặc trưng trong hợp đồng hợp tác là quyền và nghĩa vụ của các bên không đối lập nhau. Các chủ thể tham gia hợp đồng hợp tác thường có quyền, nghĩa vụ như nhau.
Tại Điều 504 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng hợp tác. Theo đó, hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản.
Đặc điểm của hợp đồng hợp tác:
- Là hợp đồng ưng thuận, vì đối tượng của hợp đồng là các cam kết mà các bên đã thỏa thuận, cho nên hợp đồng hợp tác mang tính chất ưng thuận. Hợp đồng ưng thuận là hợp đồng mà quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh khi các bên thỏa thuận xong nội dung chính của hợp đồng. Căn cứ theo quy định về hình thức của hợp đồng hợp tác bắt buộc phải được lập thành văn bản, mà có thể xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm các bên giao kết hợp đồng. Quy định này phù hợp với tính chất ưng thuận của hợp đồng. Thời điểm các bên thỏa thuận xong, thống nhất được nội dung của hợp đồng thì hợp đồng được giao kết, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các chủ thể.
- Là hợp đồng song vụ, các bên trong hợp đồng hợp tác đều có quyền và nghĩa vụ với nhau. Quyền và nghĩa vụ của các bên được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Tính chất song vụ được thể hiện ở việc, mặc dù quyền và nghĩa vụ của các bên không đối lập nhau, nhưng tất cả các chủ thể khi tham gia hợp đồng đều có nghĩa vụ và quyền nhất định.
- Là hợp đồng không có đền bù, tính chất đền bù của hợp đồng thường thể hiện ở việc khi một bên thực hiện nghĩa vụ vì lợi ích của bên kia thì sẽ được nhận lại phần lợi ích tương ứng. Tính chất hợp tác liên kết và không đối lập nhau trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên là cơ sở để xác định đây là hợp đồng không có đền bù. Khi giao kết hợp đồng, các bên phải đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc thỏa thuận và trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu thu được lợi nhuận sẽ chia cho các thành viên theo thỏa thuận trong hợp đồng. Ngược lại, nếu bị thua lỗ thì các thành viên đều phải gánh chịu theo phần tài sản đã đóng góp.
Chủ thể tham gia hợp đồng hợp tác là các cá nhân, pháp nhân cùng đóng góp tài sản, công sức. Pháp luật cho phép mọi cá nhân, pháp nhân thỏa mãn các điều kiện luật định đều được tham gia vào hợp đồng hợp tác. Các chủ thể có thể đóng góp tài sản hoặc công sức hoặc cả hai nhằm cùng thực hiện công việc, cùng hưởng lợi ích từ kết quả công việc đem lại.
Mục đích của hợp đồng hợp tác là cùng thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Các chủ thể phải thỏa thuận cụ thể công việc cùng hợp tác, cách thức chia sẻ lợi ích cũng như cơ chế chịu trách nhiệm đối với các chủ thể tham gia hợp đồng. Qúa trình thực hiện công việc, chia sẻ lợi ích, chịu trách nhiệm đối với các thiệt hại phát sinh trong quá trình thực hiện công việc tuân thủ theo các nguyên tắc mà các bên thỏa thuận.
Hình thức hợp đồng hợp tác bắt buộc phải được lập thành văn bản, việc lập hợp đồng thành văn bản làm cơ sở để xác định tư cách thành viên của hợp đồng hợp tác. Việc lập thành văn bản là quy định bắt buộc của pháp luật để có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của các bên trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
Điều 504. Hợp đồng hợp tác
1. Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
2. Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338