Tại Điều 483 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng thuê khoán tài sản. Theo đó, hợp đồng thuê khoán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê khoán để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản thuê khoán và bên thuê khoán có nghĩa vụ trả tiền thuê.
Hợp đồng thuê khoán mang đầy đủ tính chất của một hợp đồng thuê tài sản. Tuy nhiên do tính chất đặc thù về đối tượng và mục đích thuê khoán, nên hợp đồng thuê khoán có thêm những đặc thù riêng, cụ thể:
Đối tượng của hợp đồng thuê khoán là tư liệu sản xuất gồm đất đai, rừng, mặt nước chưa khai thác… Đối với hợp đồng cho thuê tài sản thông thường, bên thuê sử dụng, khai thác lợi ích từ tài sản và phải trả tiền cho bên có tài sản cho thuê. Như vậy, đối tượng của hợp đồng thuê tài sản là tài sản cụ thể, vật chất mà con người có thể chiếm hữu trên thực tế. Nhưng, đối với hợp đồng thuê khoán cho phép bên thuê khoán được đầu tư vào đối tượng thuê để sản xuất, kinh doanh, như: thuê đất để xây dựng nhà máy, thuê mặt nước để nuôi trồng thủy hải sản… Có thể thấy, đối tượng của hợp đồng thuê khoán không được bên thuê nắm giữ trực tiếp, sử dụng trực tiếp, mà bên thuê thực hiện đầu tư để khai thác công dụng của tài sản đó.
Mục đích thuê khoán, mỗi bên tham gia vào hợp đồng thuê khoán đều có những mục đích riêng nhất định. Đối với bên thuê khoán: Bên thuê hướng đến khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thuê khoán. Đối với bên cho thuê khoán: Như trong hợp đồng thuê tài sản nói chung, tiền thuê tài sản là mục đích mà bên cho thuê hướng đến khi tham gia giao kết hợp đồng. Sự khác biệt trong mục đích của hợp đồng thuê nói chung và hợp đồng thuê khoán chính là mục đích của bên thuê.
Hợp đồng thuê khoán là hợp đồng có đền bù, từ mục đích của hợp đồng thuê khoán mà các bên hướng đến, có thể xác định đây là hợp đồng có đền bù. Cả bên thuê và bên cho thuê đều có lợi ích vật chất nhất định khi ký kết hợp đồng. Trong khi bên thuê khoán khai thác, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, thì bên cho thuê hưởng một khoản tiền gọi là tiền cho thuê khoán mà bên thuê phải trả.
Hình thức của hợp đồng thuê khoán tài sản là cách thức thể hiện sự thoả thuận của các bên. Đối với các hợp đồng thuê thông thường, hình thức của hợp đồng có thể bằng văn bản, lời nói và hành vi cụ thể. Tuy nhiên, do đối tượng của hợp đồng này là các tư liệu sản xuất nên khi xác lập hợp đồng các bên cần xem xét các văn bản pháp luật có liên quan. Theo đó, tùy theo từng đối tượng cụ thể, hợp đồng này có thể phải công chứng, chứng thực hoặc thực hiện việc đăng ký tại Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Nội dung cơ bản cần trong hợp đồng thuê khoán tài sản bao gồm đối tượng của hợp đồng; giá thuê khoán; thời hạn thuê khoán; phương thức giao tài sản thuê khoán và phương thức trả tiền thuê khoán; quyền và nghĩa vụ của các bên: Quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê khoán và bên thuê khoán; điều khoản chấm dứt hợp đồng
Điều 483. Hợp đồng thuê khoán tài sản
Hợp đồng thuê khoán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê khoán để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản thuê khoán và bên thuê khoán có nghĩa vụ trả tiền thuê.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338