Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Thei quy định pháp luật, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Tại Điều 423 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc hủy bỏ hợp đồng. Theo đó, một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp: Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận; Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng; Trường hợp khác do luật quy định. Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Theo quy định trên thì một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp:
(1) Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận, khi thỏa thuận nội dung của hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận xác lập điều khoản quy định nếu một bên vi phạm điều kiện hủy bỏ hợp đồng, thì bên còn lại được tự ý hủy bỏ hợp đồng mà không phải chịu bất kỳ trách nhiệm dân sự nào. Hành vi vi phạm hợp đồng của một bên có thể là một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ, nghiêm trọng hoặc không nghiêm trọng, tuy nhiên hành vi đó lại vi phạm điều kiện hủy bỏ hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận thì hợp đồng sẽ bị hủy bỏ. Đối với trường hợp một bên vi phạm hợp đồng chỉ được coi là điều kiện hủy bỏ hợp đồng nếu các bên đã thỏa thuận từ trước, do vậy trong trường hợp, hợp đồng không có thỏa thuận về điều kiện hủy bỏ hợp đồng thì các bên không được tự ý thực hiện quyền hủy bỏ hợp đồng của mình.
(2) Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng, các bên có thể không thỏa thuận về điều kiện hủy bỏ hợp đồng, hoặc có thoả thuận nhưng hành vi vi phạm của một bên không vi phạm điều kiện hủy bỏ hợp đồng, nhưng hợp đồng vẫn được hủy bỏ hành vi vi phạm đó được xác định là gây nên hậu quả nghiêm trọng. Quy định này dựa trên cơ sở xác định mức độ vi phạm của bên vi phạm. Theo đó, tùy thuộc vào tính chất, giá trị của từng hợp đồng trên thực tế mới có thể xác định được mức độ vi phạm đó có bị xem là nghiêm trọng hay không. Cơ sở chung để định mức vi phạm là, việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Khi giao kết hợp đồng các bên đều có những mục đích, mong muốn cần đạt được, đó có thể là lợi ích vật chất, tinh thần, lợi ích cho mình hoặc cho người thứ ba… Tuy nhiên, chỉ vì hành vi vi phạm của bên kia mà họ không thể đạt được mục đích mong muốn, như vậy việc giao kết hợp đồng của họ trở nên vô nghĩa. Chính vì vậy họ có quyền được hủy bỏ hợp đồng để ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra thêm khi họ tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Đây là trường hợp hợp đồng bị hủy bỏ không cần dựa trên sự thỏa thuận của các bên chủ thể. Sự vi phạm nghĩa vụ sẽ làm ảnh hưởng hoặc giảm sút quyền và lợi ích của chủ thể còn lại trong hợp đồng, nhưng vi phạm nghiêm trọng đến mức mục đích giao kết hợp đồng của bên kia không thể đạt được thì hợp đồng buộc phải hủy bỏ.
(3) Hủy bỏ hợp đồng thuộc trường hợp khác do luật quy định, hợp đồng dân sự mang tính chất đa dạng, phong phú, chính vì vậy mà Bộ luật Dân sự không thể lường trước hết được các trường hợp có thể xảy ra. Đồng thời, hợp đồng không chỉ chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự mà còn chịu sự điều chỉnh của luật khác có liên quan. Vì vậy, quy định này là quy định mở rộng, tránh việc bỏ sót các trường hợp xảy ra mà các bên không có quyền hủy bỏ hợp đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho họ.
Hình thức thực hiện quyền hủy bỏ hợp đồng, bên hủy bỏ phải thực hiện việc thông báo cho bên kia biết về việc hủy bỏ hợp đồng. Pháp luật không giới hạn bất kỳ một hình thức thông báo nào, do đó bên hủy bỏ có thể lựa chọn bất kỳ hình thức thông báo nào được coi là phù hợp nhất. Trường hợp hủy bỏ hợp đồng thì bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia việc hủy bỏ hợp đồng. Pháp luật chưa quy định hình thức của sự thông báo, tuy nhiên các bên có thể thông báo với hình thức nào phù hợp với các bên như bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Vì thông báo là nghĩa vụ bắt buộc mà pháp luật quy định khi một bên hủy bỏ hợp đồng, nên việc không thực hiện theo nghĩa vụ bị xem là hành vi vi phạm pháp luật và chủ thể phải chịu trách nhiệm dân sự. Theo đó nếu vì không thông báo về việc hủy bỏ hợp đồng cho bên kia biết mà gây thiệt hại, thì bên hủy bỏ hợp đồng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Điều 423. Hủy bỏ hợp đồng
1. Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây:
a) Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận;
b) Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng;
c) Trường hợp khác do luật quy định.
2. Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.
3. Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338