Hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.
Hiện nay hợp đồng gia công có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ sản xuất hàng hóa đến dịch vụ. Điều quan trọng là các bên tham gia phải có sự thống nhất về các điều khoản và điều kiện của hợp đồng để đảm bảo tính minh bạch và tránh tranh chấp. Các yếu tố quan trọng trong hợp đồng gia công bao gồm quyền và nghĩa vụ của các bên, thời gian và phạm vi thực hiện công việc, giá trị và phương thức thanh toán, bảo mật thông tin và quản lý rủi ro. Khi tham gia vào một hợp đồng gia công, các bên cần xem xét kỹ lưỡng các điều khoản và điều kiện, đảm bảo rằng các quy định pháp luật liên quan được tuân thủ đúng mực. Việc lựa chọn đối tác gia công đáng tin cậy và có kinh nghiệm cũng là một yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng và hiệu suất của quá trình gia công.
Tại Điều 546 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ của bên nhận gia công. Theo đó, bên gia công có nghĩa vụ như: Bảo quản nguyên vật liệu do bên đặt gia công cung cấp; báo cho bên đặt gia công biết để đổi nguyên vật liệu khác, nếu nguyên vật liệu không bảo đảm chất lượng; từ chối thực hiện gia công, nếu biết hoặc phải biết việc sử dụng nguyên vật liệu có thể tạo ra sản phẩm nguy hại cho xã hội; giao sản phẩm cho bên đặt gia công đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận; giữ bí mật thông tin về quy trình gia công và sản phẩm tạo ra; chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, trừ trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng do nguyên vật liệu mà bên đặt gia công cung cấp hoặc do sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công; hoàn trả nguyên vật liệu còn lại cho bên đặt gia công sau khi hoàn thành hợp đồng.
Lợi ích lớn nhất mà bên nhận gia công hướng tới trong quan hệ hợp đồng gia công đó là “tiền công”, để đạt được lợi ích này pháp luật đòi hỏi bên nhận gia công phải có các nghĩa vụ quy định tại Điều 546 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể nghĩa vụ:
Bảo quản nguyên vật liệu do bên đặt gia công cung cấp, sản phẩm hình thành trên cơ sở nguyên liệu mà bên đặt gia công cung cấp, nguyên vật liệu quyết định đến số lượng, chất lượng sản phẩm; nếu nguyên vật liệu bị hỏng thì hợp đồng không thể được mục đích, bên đặt gia công sẽ bị thiệt hại về vật chất và dẫn đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên gia công. Vì vậy, bên nhận gia công bảo quản nguyên vật liệu là việc làm phù hợp với đạo lý và thỏa thuận của các bên.
Báo cho bên gia công biết để đổi nguyên vật liệu không đảm bảo chất lượng, khi thỏa thuận xác lập hợp đồng, các bên có thỏa thuận về chất lượng sản phẩm gia công và bên gia công công có nghĩa vụ tạo ra sản phẩm có chất lượng phù hợp với thỏa thuận. Khi phát hiện bên đặt gia công chuyển giao nguyên vật liệu không đáp ứng chất lượng thỏa thuận thì phải thông báo cho bên đặt gia công biết và yêu cầu họ đổi nguyên vật liệu có chất lượng phù hợp; trên thực tế bên gia công có thể được bên đặt gia công ủy quyền mua nguyên vật liệu, khi đó nghĩa vụ của bên gia công là mua nguyên vật liệu có chất lượng phù hợp để tạo ra sản phẩm có chất lượng theo yêu cầu của bên đặt gia công. Trong một số trường hợp bên đặt gia công yêu cầu tạo ra những sản phẩm nguy hiểm gây bất lợi, nguy hại cho xã hội mà nếu nhận gia công thì bên gia công cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm, vì thế bên gia công có nghĩa vụ phải từ chối gia công sản phẩm đó. Nguyên vật liệu không đảm bảo chất lượng sẽ dẫn đến không thể thực hiện được công việc được giao do đó bên nhận gia công có trách nhiệm báo cho bên đặt gia công để thay thế bằng nguyên vật liệu khác.
Giao tài sản cho bên đặt gia công theo đúng thỏa thuận, sau khi hoàn thành công việc gia công tạo ra sản phẩm mới, bên gia công có nghĩa vụ giao sản phẩm cho bên đặt gia công, việc giao tài sản gia công phải đảm bảo các yếu tố về: số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận. Nội dung này tương ứng với quy định về quyền của bên đặt gia công tại khoản 1 Điều 545 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Giữ bí mật thông tin về quy trình gia công và sản phẩm tạo ra, bên đặt gia công có quy trình riêng để tạo ra sản phẩm và bên gia công phải thực hiện công việc theo đúng quy trình đó, quy trình tạo ra sản phẩm làm nên thương hiệu của doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp có những cách riêng để tạo ra sản phẩm mang những nét đặc trưng riêng, việc giữ bí mật thông tin về quy trình gia công và sản phẩm tạo ra là cơ sở cho việc cạnh tranh trên thị trường giữa các doanh nghiệp nên bên gia công phải đảm bảo nghĩa vụ vụ này.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, bên gia công là bên tạo ra sản phẩm nên có trách nhiệm trong việc chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Trong trường hợp sản phẩm kém chất lượng do nguyên vật liệu mà bên đặt gia công cung cấp hoặc do sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công thì bên gia công không phải chịu trách nhiệm, nhưng trong trường hợp bên đặt gia công từ chối và yêu cầu gia công sản phẩm có bằng chính nguyên liệu đó thì bên gia công không có lý do gì để chịu trách nhiệm về chất lượng của tài sản. Nếu việc hướng dẫn của bên đặt gia công có sai sót dẫn đến sản phẩm tạo ra không đảm bảo chất lượng thì lỗi đó không thuộc về bên gia công mà là của bên đặt gia công, nên bên gia công cũng không phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này.
Hoàn trả nguyên vật liệu còn lại cho bên đặt gia công, nguyên vật liệu là tài sản của bên đặt gia công vì vậy nếu còn thừa thì bên nhận gia công phải có nghĩa vụ hoàn trả lại là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc chung. Nguyên vật liệu nếu còn thừa thì bên nhận gia công có trách nhiệm hoàn trả là phù hợp với nguyên tắc chung của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, trong thực tế bên nhận gia công thường là bên làm việc có tính chuyên nghiệp do đó họ có thể tận dụng nguyên liệu gia công để tạo ra sản phẩm cho mục đích khác. Mặt khác, không chỉ có trường hợp hoàn thành hợp đồng, một số trường hợp khác chấm dứt hợp đồng thì bên nhận gia công cũng có nghĩa vụ hoàn trả nguyên vật liệu.
Điều 546. Nghĩa vụ của bên nhận gia công
1. Bảo quản nguyên vật liệu do bên đặt gia công cung cấp.
2. Báo cho bên đặt gia công biết để đổi nguyên vật liệu khác, nếu nguyên vật liệu không bảo đảm chất lượng; từ chối thực hiện gia công, nếu biết hoặc phải biết việc sử dụng nguyên vật liệu có thể tạo ra sản phẩm nguy hại cho xã hội.
3. Giao sản phẩm cho bên đặt gia công đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.
4. Giữ bí mật thông tin về quy trình gia công và sản phẩm tạo ra.
5. Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, trừ trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng do nguyên vật liệu mà bên đặt gia công cung cấp hoặc do sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công.
6. Hoàn trả nguyên vật liệu còn lại cho bên đặt gia công sau khi hoàn thành hợp đồng.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338