Người mất năng lực hành vi dân sự sẽ được chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp bởi người giám hộ. Người mất năng lực hành vi dân sự được quy định tại Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện đang có hiệu lực. Theo đó, người mất năng lực hành vi dân sự phải được Toà án ra quyết định tuyên bố người này là người bị mất năng lực hành vi dân sự sau khi xem xét kết luận giám định pháp y tâm thần. Đồng thời, khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự cũng nêu điều kiện để được coi là người bị mất năng lực hành vi dân sự gồm: Bị tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình. Do người có quyền, lợi ích liên quan, tổ chức hoặc cơ quan hữu quan yêu cầu Toà án ra quyết định tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự.
Để xác định một người bị mất năng lực hành vi dân sự, bắt buộc người đó phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên. Bởi nếu khi không còn căn cứ (kết quả giám định pháp y tâm thần… đã nêu rõ người này không còn ở trong trạng thái không thể nhận thức, làm chủ hành vi) thì sẽ được: Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự; Có yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan.
Tại Điều 53 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về các trường hợp cá nhân có thể trở thành người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự khi người này không có người giám hộ được xác định theo khoản 2 Điều 48 Bộ luật Dân sự năm 2015 (giám hộ theo chỉ định của chính người mất năng lực hành vi dân sự khi họ vẫn đang trong tình trạng nhận thức và làm chủ hành vi dân sự của mình bình thường). Cá nhân được xác định là người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định theo 03 trường hợp như sau:
(1) Nếu vợ hoặc chồng mất năng lực hành vi dân sự thì người kia sẽ là người giám hộ;
(2) Nếu cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc chỉ một người mất năng lực hành vi dân sự nhưng người kia không đủ điều kiện làm người giám hộ thì con cả sẽ là người giám hộ hoặc con tiếp theo là người giám hộ nếu con cả không đủ điều kiện;
(3) Nếu người mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ (chồng), con hoặc những người này không có đủ điều kiện thì cha, mẹ của người mất năng lực hành vi dân sự là người giám hộ.
Điều 53 Bộ luật Dân sự năm 2015 kế thừa nguyên vẹn Điều 62 Bộ luật Dân sự năm 2005, chỉ bổ sung thêm trường hợp liên hệ đến người giám hộ theo chỉ định đã được quy định tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Điều 53. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự
Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:
1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
2. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
3. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338