Thừa kế theo di chúc là việc dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người khác còn sống theo quyết định của người đó trước khi chết được thể hiện trong di chúc. Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người có quan hệ thân thiết với người chết, pháp luật dân sự có quy định về những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.
Tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Theo đó, những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất gồm: Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con thành niên mà không có khả năng lao động. Quy định tại khoản 1 Điều 644 không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật Dân sự
Xét về diện thừa kế thì những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, họ cũng là những người thuộc phạm vi được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật. Xét về hàng thừa kế, họ cũng nằm trong hàng thừa kế được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật, vậy nếu không cho họ hưởng di sản thừa kế theo pháp luật là không bảo đảm quyền lợi cho họ.
Theo quy định thì người được hưởng di sản không phụ thuộc vào di chúc là những người có quan hệ thân thiết, gần gũi với với người đã chết bao gồm: con chưa thành niên hoặc đã thành niên mà mất khả năng lao động, cha, me, vợ, chồng. Quy định này là nhằm bảo vệ quyền lợi của cha, mẹ, vợ, chồng, con cái tránh khỏi những quyết định bất lợi cho họ của người để lại di sản; những người này dù xét về mặt pháp lý hay đạo đức thì cũng là những người mà người để lại di sản có bổn phận phải chăm sóc, nuôi dưỡng.
Nghĩa vụ này không chỉ phải thực hiện khi còn sống, mà ngay cả khi chết đi người để lại di sản vẫn phải tiếp tục thực hiện bằng việc để lại một phần di sản của mình cho những người đó; nếu người lập di chúc vì một lý do nào đó mà không thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của mình, thì pháp luật bằng biện pháp cưỡng chế sẽ quy định những người thân thích đó sẽ đương nhiên được hưởng di sản của người đã chết. Đối với con có khả năng lao động và từ đủ 18 (gọi chung là người thành niên) được pháp luật trao cho năng lực hành vi đẩy đủ, họ có thể tự mình tham gia các quan hệ dân sự mà không cần người đại diện hay người giám hộ nữa, vì vậy người để lại di sản cũng không còn bổn phận phải chăm sóc, nuôi dưỡng họ, nên họ không phải người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc.
Theo quy định này thì những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được hưởng tối thiểu 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật, nếu người lập di chúc không cho họ hưởng di sản hoặc có cho nhưng phần di sản ít hơn 2/3 suất thừa kế đó; 2/3 một suất thừa kế đó nằm trong khối di sản mà người chết để lại sau khi đã trừ đi các nghĩa vụ tài chính, các khoản chi phí phát sinh của người lập di chúc như: nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ trả nợ, chi phí cho việc bảo quản di sản… Phần di sản của người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc sẽ được trích ra từ phần thừa kế của những người thừa kế còn lại; pháp luật quy định con số 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật vừa bảo vệ quyền cho người thừa kế không theo di chúc, vừa không làm triệt tiêu quyền của những người thừa kế còn lại.
Việc chia di sản thừa kế cho người thừa kế không theo di chúc không áp dụng với người từ chối nhận di sản và người không có quyền hưởng di sản; đối với người từ chối nhận di sản, họ có thể là người từ chối nhận di sản theo di chúc cũng có thể là người từ chối nhận di sản theo pháp luật, nhưng dù ở trường hợp nào họ cũng được pháp luật tôn trọng ý chí độc lập của mình; pháp luật về chia di sản cho người thừa kế không theo di chúc nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người không được hưởng di sản, tuy nhiên nếu họ từ chối quyền lợi đó, từ chối được bảo hộ thì không ai có quyền ép buộc kể cả pháp luật. Đối với những người không có quyền hưởng di sản là những người vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, pháp luật đối với người để lại di sản, họ thực hiện các hành vi gây bất lợi, khó khăn cho người để lại di sản; pháp luật đã tước quyền hưởng di sản của họ dù họ có tên trong di chúc hay không, do đó họ đương nhiên càng không có quyền thừa kế khi người để lại di sản không cho họ hưởng di sản.
Quy định về những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc nhằm bảo vệ những người thuộc diện thừa kế không bị phụ thuộc vào ý chí của cá nhân người lập di chúc, vì ý chí của người lập di chúc đã xâm hại đến quyền lợi của những người này cho nên pháp luật quy định họ mặc nhiên được hưởng di sản ít nhất bằng 2/3 của một suất chia theo pháp luật khi người lập di chúc không cho họ hưởng di sản hoặc cho hưởng nhưng ít hơn 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật.
Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338