Theo quy định tại Điều 649 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Người thừa kế theo pháp luật là cá nhân, những người có quyền thừa kế di sản của người chết theo quy định của pháp luật. Việc xác định người thừa kế theo hàng thừa kế dựa trên ba mối quan hệ: hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng. Thời hiệu thừa kế để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó, theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Tại Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định những trường hợp thừa kế theo pháp luật. Theo đó, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp: Không có di chúc; di chúc không hợp pháp; những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây: Phần di sản không được định đoạt trong di chúc; phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật; phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Cụ thể:
Trường hợp không có di chúc, di chúc được lập bằng văn bản hoặc bằng miệng, tuy nhiên trong nhiều trường hợp không phải lúc nào người để lại di sản cũng lập di chúc. Hoặc trong trường hợp di chúc được lập nhưng tại thời điểm mở thừa kế, di chúc bị thất lạc hay bị hư hỏng đến mức không thể hiện được đầy đủ, rõ ràng nội dung của di chúc. Khi đó di sản sẽ được chia cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật pháp luật.
Trường hợp di chúc không hợp pháp, đây là trường hợp người chết có lập di chúc, mong muốn được định đoạt tài sản của mình; nhưng vì một lý do nào đó di chúc được lập có thể vi phạm quy định của pháp luật về nội dung, hình thức, chủ thể lập di chúc… tóm lại là không đáp ứng điều kiện có hiệu lực theo quy định của pháp luật, tùy theo phạm vi vi phạm của di chúc để xác định di chúc bị vô hiệu một phần hay toàn bộ. Trường hợp di chúc bị vô hiệu một phần, thì chỉ phần đó bị vô hiệu, phần còn lại vẫn có hiệu lực pháp luật. Di chúc vô hiệu toàn bộ là toàn bộ nội dung của di chúc vi phạm pháp luật, nội dung của cả di chúc đều không có hiệu pháp luật, lúc này di chúc không được pháp luật công nhận, vì vậy di sản vẫn được chia theo pháp luật.
Trường hợp những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế ở đây được hiểu là toàn bộ người thừa kế trong di chúc, vì chỉ cần một người thừa kế trong di chúc còn sống thì di sản vẫn được chia theo di chúc. Tài sản có thể tồn tại lâu dài và chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác, vì vậy việc dịch chuyển tài sản trong thừa kế nhằm đáp ứng nhu cầu vận động của tài sản; nên nếu người thừa kế đã chết thì không thể sử dụng tài sản được nữa; phải tiến hành chia di sản cho những người thừa kế theo pháp luật. Cần lưu ý là trường hợp này chỉ xảy ra trong trường hợp người thừa kế chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc; nếu tại thời điểm mở thừa kế, người thừa kế đang còn sống thì đương nhiên vẫn sẽ phát sinh quyền thừa kế theo di chúc của họ, nếu họ chết sau thời điểm mở thừa kế thì sẽ làm phát sinh quan hệ thừa kế mới giữa họ và những người thừa kế của họ; tương tự áp dụng đối với cơ quan, tổ chức là người thừa kế theo di chúc.
Trường hợp những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản, trong thừa kế theo di chúc có trường hợp người thừa kế vi phạm nghiêm trọng pháp luật, chuẩn mực đạo đức do đó pháp luật tước đi quyền hưởng thừa kế của họ, hoặc vì một số lý do nào đó mà người thừa kế không muốn nhận di sản thừa kế. Nếu những người thừa kế trong di chúc đều rơi vào các trường hợp này, có nghĩa là người thừa kế theo di chúc không còn ai thì di sản được chia theo pháp luật.
Phần di sản áp dụng thừa kế theo pháp luật, gồm:
Phần di sản không được định đoạt trong di chúc, pháp luật quy định về quyền sở hữu tài sản của các chủ thể không bị giới hạn về số lượng, giá trị tài sản. Vậy nên, người để lại di sản có thể có nhiều di sản khác nhau như: nhà, đất, xe, tiền mặt… Tuy nhiên trong di chúc chỉ định đoạt một phần di sản, phần còn lại không đề cập đến trong nội dung chúc, thì phần di sản đó sẽ được chia theo pháp luật.
Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật, để tối đa hóa lợi ích của người lập di chúc, pháp luật quy định nội dung di chúc có thể bị vô hiệu từng phần. Tức nếu trong di chúc chỉ có một phần không có hiệu lực pháp lý thì những phần còn lại sẽ không bị ảnh hưởng, và vẫn được công nhận như bình thường. Do đó, thừa kế theo pháp luật sẽ áp dụng đối với phần di sản trong phần nội dung di chúc bị vô hiệu.
Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế, khác với quan hệ thừa kế khi mới xuất hiện chỉ cần là người thân có cùng huyết thống thì sẽ được hưởng di sản, trong quan hệ thừa kế hiện nay người thừa kế còn bị ràng buộc bởi quyền, nghĩa vụ với người để lại di sản. Vậy nên, đối với những người thừa kế rơi vào trường hợp theo trường hợp "những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản" thì phần di sản của người đó trong di chúc bị xem là vô hiệu. Nếu trong di chúc còn những người thừa kế khác đủ điều kiện hưởng di sản, thì chỉ phần di sản của người không có quyền thừa kế hay từ chối thừa kế là vô hiệu và phần thừa kế của họ sẽ được chia đều cho những người thừa kế còn lại.
Việc xác định các trường hợp thừa kế theo pháp luật là vô cùng quan trọng, không những bảo vệ cho quyền, lợi ích hợp pháp của người để lại di sản và người thừa kế, còn giúp cho tài sản được sử dụng vào các hoạt động kinh tế, xã hội tránh để gây lãng phí tài sản.
Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338