Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản. Hợp đồng hợp tác ra đời trên cơ sở thỏa thuận của các bên. Giống như các hợp đồng dân sự khác, hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các bên tham gia. Các bên thỏa thuận nội dung cơ bản trong hợp đồng, quy định đối tượng, mục đích cũng như quyền và nghĩa vụ của chủ thể. Điểm đặc trưng trong hợp đồng hợp tác là quyền và nghĩa vụ của các bên không đối lập nhau. Các chủ thể tham gia hợp đồng hợp tác thường có quyền, nghĩa vụ như nhau.
Tại Điều 505 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nội dung của hợp đồng hợp tác. Theo đó, hợp đồng hợp tác có nội dung chủ yếu như: Mục đích, thời hạn hợp tác; Họ, tên, nơi cư trú của cá nhân; tên, trụ sở của pháp nhân; Tài sản đóng góp (nếu có); Đóng góp bằng sức lao động (nếu có); Phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức; Quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác; Quyền, nghĩa vụ của người đại diện (nếu có); Điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác của thành viên (nếu có); Điều kiện chấm dứt hợp tác.
- Mục đích, thời hạn hợp tác, việc xác định rõ mục đích là định hướng cho việc sử dụng tài sản, cùng thực hiện công việc để đạt được mục đích này. Thời hạn là khoảng thời gian các bên cùng nhau góp sức, liên kết, hợp tác để thực hiện hợp đồng. Trong thời hạn thực hiện hợp đồng các chủ thể tham gia có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ công việc của mình và hưởng lợi ích từ hoạt động sản xuất, kinh doanh mà mình hợp tác. Thời hạn là căn cứ để xem xét nghĩa vụ của một bên có được thực hiện đầy đủ hay không. Khi hết thời hạn thực hiện hợp đồng theo thỏa thuận của các bên thì nghĩa vụ của các bên chấm dứt.
- Họ, tên, nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của pháp nhân, nếu thành viên là cá nhân thì các chủ thể phải ghi nhận rõ ràng họ, tên, nơi cư trú; nếu thành viên là pháp nhân phải ghi nhận rõ tên, trụ sở của pháp nhân. Việc ghi rõ, đầy đủ thông tin của các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng để tránh việc nhầm lẫn với các thành viên khác.
- Tài sản đóng góp, nếu chủ thể đóng góp bằng tài sản thì có thể ghi nhận tài sản đó trong nội dung hợp đồng. Tài sản là khái niệm rất rộng đó có thể động sản hoặc bất động sản, hay tiền mặt, do đó, phải ghi nhận rõ ràng tài sản đó là gì, giá trị bao nhiêu. Việc ghi nhận cụ thể tài sản đóng góp là cơ sở xác định giá trị tài sản hợp tác và định hướng cho việc sử dụng tài sản hợp tác. Mức đóng góp tài sản của các thành viên có thể ngang bằng hoặc chênh lệch nhau, phần góp của từng thành viện có thể được xác định theo tỷ lệ nhất định.
- Đóng góp bằng sức lao động, trong nội dung của hợp đồng có thể ghi nhận rõ các vấn đề như: chủ thể nào đóng góp bằng sức lao động, quá trình sử dụng sức lao động đó vào công việc hợp tác như thế nào.
- Phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức, việc chia hoa lợi, lợi tức không công bằng có thể dẫn đến tranh chấp, nhất là với đặc điểm của hợp đồng hợp tác là có sự tham gia của nhiều chủ thể. Để tránh xảy ra tranh chấp, hợp đồng hợp tác cần ghi rõ phương thức phân chia lợi nhuận cho từng thành viên. Thông thường, việc phân chia hoa lợi, lợi tức thường được xác định dựa trên cơ sở tỷ lệ vốn góp của các thành viên, phần vốn góp lớn thì lợi nhuận nhận được càng cao.
- Quyền và nghĩa vụ của các thành viên hợp tác, nội dung về quyền và nghĩa vụ của mỗi thành viên do các bên thỏa thuận và có thể ghi nhận trong hợp đồng.
- Quyền và nghĩa vụ của người đại diện, các thành viên có thể đề cử một người làm đại diện cho các thành viên hợp tác. Bên cạnh đó, nhóm hợp tác không có tư cách pháp nhân nên việc để một người làm đại diện sẽ thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện hợp đồng. Tránh trường hợp vượt quá phạm vi thẩm quyền hoặc thực hiện không đúng thẩm quyền đại diện.
- Điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác của các thành viên, để thuận lợi tạo điều kiện linh hoạt cho các chủ thể, hợp đồng hợp tác cần quy định các điều kiện cụ thể các điều kiện tham gia hoặc rút khỏi hợp đồng. Việc quy định như vậy giúp cho việc tham gia của chủ thể mới hoặc rút khỏi hợp đồng của thành viên không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của việc hợp tác.
- Điều kiện chấm dứt hợp tác, các bên có thể thỏa thuận về điều kiện làm chấm dứt việc hợp tác giữa các thành viên, khi xảy ra các điều kiện đó thì hợp đồng đương nhiên chấm dứt mà không phụ thuộc vào thời hạn hợp đồng.
Điều 505. Nội dung của hợp đồng hợp tác
Hợp đồng hợp tác có nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục đích, thời hạn hợp tác;
2. Họ, tên, nơi cư trú của cá nhân; tên, trụ sở của pháp nhân;
3. Tài sản đóng góp, nếu có;
4. Đóng góp bằng sức lao động, nếu có;
5. Phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức;
6. Quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác;
7. Quyền, nghĩa vụ của người đại diện, nếu có;
8. Điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác của thành viên, nếu có;
9. Điều kiện chấm dứt hợp tác.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338