Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc có đủ điều kiện về năng lực chủ thể, về ý chí, về nội dung, về hình thức di chúc được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Đối với người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. Hiện nay tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh mà người lập di chúc lựa chọn một trong các loại theo quy định của điều luật trên đây để thể hiện ý chí định đoạt tài sản của mình trong đó; hình thức của di chúc là phương thức biểu đạt ý chí của người lập di chúc, là căn cứ pháp lý làm phát sinh quan hệ thừa kế theo di chúc, là chứng cứ để bảo vệ quyền lợi cho người được chỉ định trong di chúc.
Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống, người được hưởng di sản là người thừa kế và mọi người đều bình đẳng với nhau trong việc hưởng thừa kế, việc phân chia di sản thừa kế đã được pháp luật quy định khá cụ thể, theo hai hình thức là: theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Tại Điều 662 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế. Theo đó, trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp đã phân chia di sản mà có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì người đó phải trả lại di sản hoặc thanh toán một khoản tiền tương đương với giá trị di sản được hưởng tại thời điểm chia thừa kế cho những người thừa kế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Cụ thể:
(1) Trường hợp xuất hiện người thừa kế mới:
Căn cứ quy định tại Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015, người thừa kế là cá nhân còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Còn người thừa kế mới là người thừa kế của người để lại di sản không có tại thời điểm chia di sản thừa kế, nhưng sau đó lại xuất hiện; họ có thể là những người sau đây: con của người để lại di sản sinh ra và sống khi di sản đã được phân chia trong trường hợp sinh đôi, ba… mà tại thời điểm chia di sản chỉ xác định là sinh một; người thừa kế còn sống và trở về sau thời điểm chia thừa kế; người yêu cầu chia thừa kế được Tòa án xác nhận là người thừa kế của người để lại di sản sau thời điểm chia di sản…
Thời điểm khi người thừa kế mới xuất hiện thì những người thừa kế khác phải cùng nhau thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận; ngoài ra những người thừa kế khác có thể thỏa thuận theo phương thức khác nhưng không được trái với quy định pháp luật và đạo đức xã hội. Đây là quy định vừa bảo vệ được quyền hưởng thừa kế của người thừa kế mới, vừa tạo điều kiện dễ dàng cho những người thừa kế còn lại không phải tiến hành chia lại di sản.
(2) Người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế:
Theo quy định, người thừa kế là người sau khi phân chia di sản họ mới được xác định là người không có quyền hưởng di sản; họ có thể là những người không có quyền hưởng di sản, vì thế họ bị những người thừa kế khác khởi kiện yêu cầu Tòa án bác bỏ quyền hưởng di sản thừa kế và Tòa án đã ra quyết định bác bỏ quyền thừa kế của họ; người không phải người thừa kế di sản để lại, trên thực tế có thể xảy ra trường hợp hợp xác định sai người thừa kế, sau khi phân chia di sản xong mới phát hiện ra người đó không có quyền hưởng di sản…
Cần chú ý là sau khi chia di sản mà phát hiện ra người không có quyền thừa kế thì những người thừa kế có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ quyền thừa kế của người đó; khi bác bỏ quyền thừa kế của một chủ thể di sản sẽ không được chia lại, mà người bị bác bỏ phải trả lại di sản hoặc có thể thanh toán bằng tiền một khoản tương đương với giá trị di sản đã nhận cho những người thừa kế còn lại. Đây là quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của những người thừa kế khác và người để lại di sản; trên thực tế có trường hợp người lập di chúc truất quyền thừa kế của một cá nhân nào đó, nhưng họ vì lợi ích của mình mà sửa đổi di chúc để được hưởng di sản thừa kế, việc bác bỏ quyền thừa kế của họ dù khi đã chia di sản là tôn trọng ý chí, nguyện vọng của người đã chết.
Điều 662. Phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế
1. Trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp đã phân chia di sản mà có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì người đó phải trả lại di sản hoặc thanh toán một khoản tiền tương đương với giá trị di sản được hưởng tại thời điểm chia thừa kế cho những người thừa kế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338