Tại Điều 58 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của người giám hộ. Khác với các điều luật về nghĩa vụ được quy định cụ thể đối với từng chủ thể được giám hộ khác nhau, toàn bộ nội dung về quyền của người giám hộ nói chung được quy định tại điều luật này. Cách quy định này phù hợp với mục đích của việc giám hộ. Bởi vì nghĩa vụ là các cư xử mà người giám hộ bắt buộc phải thực hiện, đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho người được giám hộ. Do đó, cần phải được quy định cụ thể để phù hợp với từng chủ thể được giám hộ có tình trạng sức khỏe, nhận thức khác nhau; theo Điều 58 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì quyền của người giám hộ bao gồm có 03 nhóm sau:
(1) Người giám hộ có quyền sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chỉ dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ.
Trừ những trường hợp người giám hộ phải sử dụng chính tài sản của mình để thực hiện việc giám hộ, các trường hợp khác, việc giám hộ được thực hiện bởi hành vi của người giám hộ nhưng trên cơ sở tài sản của người được giám hộ đang được quản lý bởi người giám hộ. Do đó, người giám hộ phải có quyền sử dụng tài sản này để đảm bảo cho việc chăm sóc người được giám hộ.
(2) Người giám hộ có quyền được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ. Mục đích chính của việc giám hộ là việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ. Do đó, người giám hộ có nghĩa vụ phải thực hiện các hành vi phù hợp với mục đích này.
Tuy nhiên, họ cũng có quyền được thanh toán các chi phí hợp lý khi thực hiện việc giám hộ của mình. Cụ thể, nếu việc quản lý, bảo quản tài sản của người được giám hộ dẫn đến hậu quả là người giám hộ phải chi trả những chi phí nhất định thì họ sẽ được quyền nhận lại các chi phí này.
(3) Người giám hộ có quyền đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ. Việc đại diện của người giám hộ, trong các điều luật trước được xác định là nghĩa vụ và trong Điều 58 Bộ luật Dân sự được xác định là quyền.
Như vậy, có thể nói, việc đại diện để tham gia các giao dịch dân sự cũng như thực hiện các quyền khác của người giám hộ đối với người được giám hộ vừa là quyền vừa là nghĩa vụ. Trong từng hoàn cảnh cụ thể, người giám hộ có thể xem xét quyết định mình có tham gia đại diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ hay không hoặc pháp luật xem xét bắt buộc việc tham gia này của người giám hộ.
Ba nhóm quyền trên là đương nhiên đối với người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự. Đối với trường hợp người có khó khăn trong nhận thức hành vi, người giám hộ có quyền nào trong những quyền này sẽ phụ thuộc vào quyết định của Tòa án. Điều 58 Bộ luật Dân sự năm 2015 kế thừa nguyên vẹn nội dung của Điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2005 và bổ sung thêm trường hợp giám hộ đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Điều 58. Quyền của người giám hộ
1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có các quyền sau đây:
a) Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ;
b) Được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;
c) Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
2. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi có quyền theo quyết định của Tòa án trong số các quyền quy định tại khoản 1 Điều này.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338