Language:
Quyền khác đối với tài sản (Điều 159)
06/04/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

 

Theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật. Tại Điều 159 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác. Quyền khác đối với tài sản bao gồm: Quyền đối với bất động sản liền kề; quyền hưởng dụng; quyền bề mặt.

 

Quyền khác đối với tài sản mà Điều 159 Bộ luật Dân sự năm 2015 điều chỉnh vẫn có hiệu lực trong trường hợp quyền sở hữu được chuyển giao, trừ trường hợp bộ luật dân sự, luật khác có liên quan quy định khác. Điều này cho thấy một trong những tư tưởng cốt lõi của vật quyền, đó là quyền này cho phép chủ sở hữu quyền được phép thực hiện quyền của mình, bất kể vật đó đang thuộc quyền sở hữu của ai.

 

Mặc dù không sử dụng thuật ngữ vật quyền, nhưng tư tưởng, bản chất chính là thể hiện quyền năng rất mạnh của chủ thể sở hữu quyền đối với tài sản. Cụ thể: Điều 247 Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận quyền đối với bất động sản liền kề có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân và được chuyển giao khi bất động sản được chuyển giao, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Tại Điều 259 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền hưởng dụng được xác lập từ thời điểm nhận chuyển giao tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. Quyền hưởng dụng đã được xác lập có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Cũng tại khoản 1 Điều 263 cũng ràng buộc: chủ sở hữu tài sản được quyền định đoạt tài sản nhưng không được làm thay đổi quyền hưởng dụng đã được xác lập.

 

Tại Điều 269 về quyền bề mặt quy định quyền bề mặt có hiệu lực từ thời điểm chủ thể có quyền sử dụng đất chuyển giao mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất cho chủ thể có quyền bề mặt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. Quyền bề mặt có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Tại Điều 271 cũng làm rõ nội hàm của quyền bề mặt như sau: Chủ thể quyền bề mặt có quyền khai thác, sử dụng mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất thuộc quyền sử dụng đất của người khác để xây dựng công trình, trồng cây, canh tác nhưng không được trái với quy định của Bộ luật này, pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên, khoáng sản và quy định khác của pháp luật có liên quan. Chủ thể quyền bề mặt có quyền sở hữu đối với tài sản được tạo lập theo quy định này.

 

Điều 159. Quyền khác đối với tài sản

1. Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác.

2. Quyền khác đối với tài sản bao gồm:

a) Quyền đối với bất động sản liền kề;

b) Quyền hưởng dụng;

c) Quyền bề mặt.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338