Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Theo quy định tại Điều 171 Bộ luật Dân sự về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản trong trường hợp xảy ra tình thế cấp thiết. Cụ thể: Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.
Trong tình thế cấp thiết, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản không được cản trở người khác dùng tài sản của mình hoặc cản trở người khác gây thiệt hại đối với tài sản đó để ngăn chặn, làm giảm mối nguy hiểm hoặc thiệt hại lớn hơn có nguy cơ xảy ra. Nếu gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản bị thiệt hại trong tình thế cấp thiết được bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 595 của Bộ luật Dân sự.
Theo quy định tại Điều 595 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, có nghĩa nếu gây thiệt hại vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết quy định tại Điều 171 Bộ luật Dân sự thì người gây thiệt hại mới phải bồi thường thiệt hại, phần thiệt hại được xác định là phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu câu cầu cấp thiết, chứ không phải toàn bộ thiệt hại. Cụ thể: Trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cho người bị thiệt hại. Người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Chủ thể phải bồi thường trong tình thế cấp thiết được xét trong những trường hợp (1) Hai chủ thể cùng phải bồi thường: Người gây thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết và Người đã gây ra tình thế cấp thiết. Mức bồi thường của người gây thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết chỉ là mức thiệt hại vượt quá, còn mức bồi thường của người gây ra tình thế cấp thiết là những thiệt hại cần ngăn chặn; (2) Một chủ thể phải bồi thường: Chỉ có người gây ra tình thế cấp thiết phải bồi thường bởi người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết đã đáp ứng đúng yêu cầu; (3) Không chủ thể nào phải bồi thường: Khi nguyên nhân gây ra thiệt hại nằm ngoài con người. Trường hợp nguy cơ gây thiệt hại là do thiên nhiên gây ra (lũ lụt, bão, cháy, động đất...) thì trách nhiệm bồi thường trong tình thế cấp thiết không đặt ra mà phải coi là rủi ro mà chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải gánh chịu.
Điều 171. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản trong trường hợp xảy ra tình thế cấp thiết
1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.
2. Trong tình thế cấp thiết, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản không được cản trở người khác dùng tài sản của mình hoặc cản trở người khác gây thiệt hại đối với tài sản đó để ngăn chặn, làm giảm mối nguy hiểm hoặc thiệt hại lớn hơn có nguy cơ xảy ra.
3. Gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản bị thiệt hại trong tình thế cấp thiết được bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 595 của Bộ luật này.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338