Language:
Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản (Điều 263)
13/07/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

Theo quy định pháp luật, quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định. Quyền của người hưởng dụng gồm: Tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng; Yêu cầu chủ sở hữu tài sản thực hiện nghĩa vụ sửa chữa đối với tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 263 của Bộ luật Dân sự, trường hợp thực hiện nghĩa vụ thay cho chủ sở hữu tài sản thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu tài sản hoàn trả chi phí; Cho thuê quyền hưởng dụng đối với tài sản.

Tại Điều 263 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản như sau:

Thứ nhất, định đoạt tài sản nhưng không được làm thay đổi quyền hưởng dụng đã được xác lập.

Thứ hai, yêu cầu Tòa án truất quyền hưởng dụng trong trường hợp người hưởng dụng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình.

Thứ ba, không được cản trở, thực hiện hành vi khác gây khó khăn hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng dụng.

Thứ tư, thực hiện nghĩa vụ sửa chữa tài sản để bảo đảm không bị suy giảm đáng kể dẫn tới tài sản không thể sử dụng được hoặc mất toàn bộ công dụng, giá trị của tài sản.

Quyền định đoạt của chủ sở hữu là quyền mà chủ sở hữu được chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản. Tuy nhiên việc định đoạt không được làm thay đổi quyền hưởng dụng như đã thỏa thuận. Điều đó đồng nghĩa với việc đang trong thời hạn quyền hưởng dụng đang có hiệu lực chủ sở hữu không có quyền tiêu dùng, hay tiêu hủy tài sản; vì việc tiêu dùng, tiêu hủy tài làm cho tài sản không còn tồn tại nữa , do đó mà người hưởng dụng không thể tiếp tục thực hiện quyền hưởng dụng tài sản. Mặt khác, quyền hưởng dụng là nội dung của quyền khác đối với tài sản; mà trong nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền khác đối với tài sản pháp luật quy định quyền khác đối với tài sản vẫn có hiệu lực trong trường hợp quyền sở hữu được chuyển giao. Như vậy chủ sở hữu có thể bán, tặng cho, thừa kế tài sản… nhưng quyền hưởng dụng của người hưởng dụng vẫn có hiệu lực đến khi hết thời hạn theo thỏa thuận.

Quyền khai thác, sử dụng tài sản trong thời hạn quyền hưởng dụng đang có hiệu lực của người hưởng dụng là độc lập, song với tư cách là chủ sở hữu, người có quyền. lợi ích liên quan trực tiếp đến tài sản, chủ sở hữu vẫn có quyền hạn nhất định đối với tài sản đó. Do đó khi thấy người hưởng dụng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình trong việc sử dụng, khai thác tài sản thì, để bảo vệ tài sản và lợi ích của mình chủ sở hữu có quyền yêu cầu Tòa án truất quyền hưởng dụng của người có quyền hưởng dụng.

Theo quy định pháp luật, trong thời hạn quyền hưởng dụng đang có hiệu lực chủ sở hữu  không được cản trở, gây khó khăn, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng dụng. Quyền hưởng dụng là một quyền độc lập với ý chí của chủ sở hữu, khi đã chuyển giao quyền hưởng dụng cho người khác, đồng nghĩa với việc chủ sở hữu không còn quyền khai thác, sử dụng tài sản nữa. Quyền hưởng dụng do pháp luật quy định, mà người hưởng dụng chỉ cần thực hiện theo quy định của pháp luật chứ không cần thực hiện theo ý chí của chủ sở hữu.

Chuyển giao quyền hưởng dụng thực chất là chuyển giao lợi ích, công dụng, giá trị của tài sản, vì vậy chủ sở hữu phải đảm bảo tài sản được chuyển giao là tài sản có đầy đủ các công dụng, giá trị cần thiết để khai thác, sử dụng. Vì vậy nghĩa vụ sửa chữa tài sản để đảm bảo tài sản không bị suy giảm hoặc mất công dụng, giá trị thuộc về chủ sở hữu. Nếu thiệt hại với tài sản xảy ra do lỗi của người hưởng dụng thì nghĩa vụ sửa chữa tài sản thuộc về người hưởng dụng. Chủ sở hữu có thể giao cho người hưởng dụng trực tiếp sửa chữa tài sản, còn bản thân chỉ cần thanh toán các khoản chi phí. 

Điều 263. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản

1. Định đoạt tài sản nhưng không được làm thay đổi quyền hưởng dụng đã được xác lập.

2. Yêu cầu Tòa án truất quyền hưởng dụng trong trường hợp người hưởng dụng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình.

3. Không được cản trở, thực hiện hành vi khác gây khó khăn hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng dụng.

4. Thực hiện nghĩa vụ sửa chữa tài sản để bảo đảm không bị suy giảm đáng kể dẫn tới tài sản không thể sử dụng được hoặc mất toàn bộ công dụng, giá trị của tài sản.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338