Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc có đủ điều kiện về năng lực chủ thể, về ý chí, về nội dung, về hình thức di chúc được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Đối với người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. Hiện nay tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh mà người lập di chúc lựa chọn một trong các loại theo quy định của điều luật trên đây để thể hiện ý chí định đoạt tài sản của mình trong đó; hình thức của di chúc là phương thức biểu đạt ý chí của người lập di chúc, là căn cứ pháp lý làm phát sinh quan hệ thừa kế theo di chúc, là chứng cứ để bảo vệ quyền lợi cho người được chỉ định trong di chúc.
Tại Điều 640 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc. Theo đó, người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.
Sửa đổi di chúc là việc người lập di chúc hủy bỏ một hoặc nhiều hơn một phần nội dung trong di chúc đã lập và thay thế bằng những nội dung mới phù hợp với ý chí, nguyện vọng của họ; phần nội dung mới sửa đổi sẽ có hiệu lực thay thế cho phần nội dung bị sửa đổi.
Bổ sung di chúc là việc người lập di chúc tiến hành thêm vào di chúc những nội dung chưa có hoặc thêm vào những điều khoản chi tiết hơn những điều đã quy định trong di chúc. Đối với việc bổ sung di chúc thì cả phần nội dung cũ lẫn phần mới bổ sung đều có hiệu lực. Trừ việc phần mới bổ sung mâu thuẫn với phần nội dung cũ của di chúc thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực.
Thay thế di chúc là việc người lập di chúc tiến hành hủy bỏ toàn bộ di chúc đã lập và thay thế bằng một di chúc mới. Khi đó di chúc mới thay thế sẽ có hiệu lực pháp luật, di chúc bị hủy bỏ sẽ không còn hiệu lực pháp luật. Người lập di chúc thay thế di chúc dựa trên ý chí, nguyện vọng của mình, sau khi lập di chúc họ có thể thay đổi suy nghĩ, và quyết định lập một bản di chúc mới, điều đó được pháp luật công nhận và cho phép thực hiện.
Hủy bỏ di chúc là việc người lập di chúc bác bỏ toàn bộ bản di chúc đã lập và không thay thế bằng di chúc mới. Hủy bỏ di chúc có thể xảy ra trong trường hợp người lập di chúc bằng miệng vào lúc cận kề với cái chết, nhưng sau cùng người đó lại không chết và tiếp túc sống khỏe mạnh, minh mẫn, thì sau 03 tháng kể từ ngày lập di chúc bằng miệng, di chúc sẽ bị hủy bỏ.
Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 56 Luật Công chứng năm 2014 quy định di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó.
Điều 640. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc
1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
2. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338