Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Theo quy định Điều 2 Luật Trưng mua trưng dụng tài sản, thì trưng mua tài sản là việc Nhà nước mua tài sản của tổ chức (không bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân), cá nhân, hộ gia đình thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia.
Điều 237 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về căn cứ chấm dứt quyền sở hữu, cụ thể quyền sở hữu chấm dứt trong trường hợp: Chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác; chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình; tài sản đã được tiêu dùng hoặc bị tiêu hủy; tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu; tài sản bị trưng mua; tài sản bị tịch thu; tài sản đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác theo quy định của Bộ luật Dân sự; trường hợp khác do luật quy định.
Tại Điều 243 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc tài sản bị trưng mua. Theo đó, trường hợp Nhà nước trưng mua tài sản theo quy định của luật thì quyền sở hữu đối với tài sản của chủ sở hữu đó chấm dứt kể từ thời điểm quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực pháp luật.
Theo quy định tại Điều 5 Luật Trưng mua trưng dụng tài sản thì việc trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng tài sản mà các biện pháp huy động khác không thực hiện được, thuộc một trong các trường hợp khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp; Khi an ninh quốc gia có nguy cơ bị đe dọa theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia; Khi mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia có khả năng bị xâm phạm hoặc cần được tăng cường bảo vệ theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về an ninh quốc gia; Khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng hoặc nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước.
Tài sản thuộc đối tượng trưng mua được quy định tại Điều 13 Luật Trưng mua trưng dụng tài sản như Nhà và tài sản khác gắn liền với đất; thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm, công cụ, dụng cụ và vật tư, vật dụng thiết yếu khác; phương tiện giao thông vận tải, thông tin liên lạc và phương tiện kỹ thuật khác.
Thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản bao gồm Thủ tướng Chính phủ quyết định trưng mua tài sản là nhà và tài sản khác gắn liền với đất khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp; Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định trưng mua tài sản là thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm, công cụ, dụng cụ và vật tư, vật dụng thiết yếu khác; Phương tiện giao thông vận tải, thông tin liên lạc và phương tiện kỹ thuật khác.
Khi tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự, chủ thể có quyền tự định đoạt về mọi vấn đề có liên quan đến quan hệ mà mình tham gia. Trong quan hệ sở hữu, chủ sở hữu có quyền quyết định số phận của tài sản thuộc sở hữu của mình (quyền định đoạt). Mặc dù, đây là quyền quan trọng trong nội dung quyền sở hữu, nhưng trong những trường hợp pháp luật quy định, vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích của quốc gia, chủ sở hữu có thể bị buộc phải thực hiện quyền này (buộc bán, buộc chuyển giao,...). Do đó, việc quy định trưng mua là một trong những căn cứ làm chấm dứt quyền sở hữu tài sản là hoàn toàn hợp.
Đây là căn cứ chấm dứt quyền sở hữu theo ý chí của Nhà nước thông qua các quy định pháp luật về trưng mua tài sản. Trưng mua tài sản là việc Nhà nước mua tài sản của tổ chức (không bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân), cá nhân, hộ gia đình thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia. Việc trưng mua tài sản phải được thực hiện theo những trình tự, thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định và được hiện thực hóa bằng quyết định bằng một quyết định hành chính. Tại thời điểm quyết định trưng mua tài sản có hiệu lực, quyền sở hữu của chủ thể có tài sản bị trưng mua sẽ chấm dứt.
Điều 243. Tài sản bị trưng mua
Trường hợp Nhà nước trưng mua tài sản theo quy định của luật thì quyền sở hữu đối với tài sản của chủ sở hữu đó chấm dứt kể từ thời điểm quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực pháp luật.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338