Quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân được quy định tại khoản 2 Điều 32 Hiến pháp năm 2013, theo đó quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa thế được pháp luật bảo hộ.
Tại Điều 622 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tài sản không có người nhận thừa kế. Theo đó, trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.
Việc nhận di sản thừa kế được thực hiện theo hai hình thức đó là: nhận thừa kế theo di chúc và nhận thừa kế theo pháp luật; người thừa kế theo di chúc là người được người đã chết chỉ định có quyền nhận di sản và được ghi nhận trong di chúc. Người thừa kế theo pháp luật là người được hưởng di sản của người đã chết khi không có di chúc, hoặc có di chúc nhưng người được chỉ định trong di chúc không có quyền hưởng di sản hay từ chối nhận di sản. Người thừa kế có thể là cá nhân, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Tài sản không có người thừa kế khi xảy ra một số trường hợp: Người thừa kế là cá nhân không còn sống hoặc không còn tồn tại nếu là tổ chức tại thời điểm mở thừa kế; người thừa kế thuộc các trường hợp không có quyền hưởng di sản theo quy định pháp luật như: Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản; Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng; ngưởi thừa kế từ chối nhận di sản. Sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính của người để lại di sản như nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ trả nợ,…thì phần tài sản còn lại thuộc về Nhà nước.
(1) Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc: Người để lại di sản không chỉ định ai trong di chúc để nhận di sản thừa kế; Không có di chúc; Có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp; Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc.
(2) Trường hợp không có người thừa kế theo pháp luật: Trường hợp không có người thừa kế theo pháp luật là trường hợp không còn người thừa kế mà có mối quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc nuôi dưỡng đối với người để lại di sản; Người thừa kế là cá nhân không là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai sau khi người để lại di sản chết.
(3) Trường hợp có người thừa kế nhưng thuộc các trường hợp: Từ chối nhận di sản thừa kế theo Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015; Người không được nhận di sản thừa kế theo Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trong trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.
Xử lý tài sản khi không có người thừa kế: Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 29/2018/NĐ-CP về xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản là di sản không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có người thừa kế nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản hoặc hết thời hiệu yêu cầu chia di sản kể từ thời điểm mở thừa kế mà không có người chiếm hữu theo quy định của pháp luật về dân sự. Thẩm quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với bất động sản không có người thừa kế; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với di sản không phải là bất động sản (Điều 7 Nghị định 29/2018/NĐ-CP).
Điều 622. Tài sản không có người nhận thừa kế
Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338