Tại Điều 458 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc tặng cho động sản. Theo đó, hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.
Hiện nay việc tặng cho tài sản có thể bằng hình chức hợp đồng, cũng có thể là hành vi pháp lý đơn phương của chủ sở hữu tài sản làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự đối với bên tặng cho tài sản và đối với bên nhận tài sản tặng cho. Còn tài sản tặng cho, có thể là bất động sản hoặc là động sản.
Theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành về bất động sản và động sản thì: "Bất động sản" bao gồm đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật. Còn "Động sản" là những tài sản không phải là bất động sản. Trường hợp tặng cho tài sản được lập thành văn bản thì gọi là hợp đồng tặng cho tài sản. Hợp đồng tặng cho tài sản lại có hai trường hợp khác nhau là hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện và hợp đồng tặng cho tài sản không có điều kiện.
Đối tượng của hợp đồng tặng cho có thể là động sản (Điều 458 Bộ luật Dân sự năm 2015), cũng có thể là bất động sản (Điều 459 Bộ luật Dân sự năm 2015). Hình thức của hợp đồng tặng cho phụ thuộc vào đối tượng của nó. Nêu đối tượng của hợp đồng tặng cho là động sản thì hợp đồng tặng cho có thể bằng miệng, văn bản. Nếu đối tượng của hợp đồng là tài sản phải đăng kí quyền sở hữu hoặc là bất động sản thì hình thức của hợp đồng tặng cho phải là văn bản có chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối tượng của hợp đồng tặng cho có thể là quyền tài sản (quyền yêu cầu người khác). Trường hợp này được điều chỉnh bởi các quy định về chuyển quyền yêu cầu. Sau khi tặng cho, người được tặng cho trở thành người có quyền đối với bên có nghĩa vụ. Đối tượng tặng cho là quyền sử dụng đẩt. Khi tặng cho quyền sử dụng đất phải tuân theo các quy định của Luật Đất đai.
Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho tài sản như sau:
(1) Hợp đồng tặng cho tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, trường hợp này, hợp đồng tặng cho tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản. Như vậy hợp đồng tặng cho là hợp đồng thực tế, vì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng phụ thuộc vào thời điểm bên được tặng cho tài sản nhận chuyển giao tài sản trên thực tế. Quy định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho tài sản như vậy là bởi vì, đây là hợp đồng không có đền bù, bên tặng cho không thu được bất kỳ lợi ích gì từ việc tặng cho. Do đó, bên tặng cho mặc dù đã xác lập hợp đồng với bên được tặng cho nhưng chưa chuyển giao tài sản thì hoàn toàn có thể rút lại quyết định tặng cho của mình. Nếu bên tặng cho và bên được tặng cho tài sản có thỏa thuận về việc thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng là một thời điểm khác, không phụ thuộc vào thời điểm chuyển giao tài sản thì thỏa thuận của các bên vẫn được pháp luật tôn trọng và bảo vệ.
(2) Hợp đồng tặng cho tài sản là động sản phải đăng ký quyền sở hữu, pháp luật quy định đối với một số loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu như: oto, xe máy, tàu… thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký. Khác với động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, chủ thể nào nắm giữ tài sản thì là chủ sở hữu của tài sản đó. Đối với động sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền của chủ thể đối với tài sản được ghi nhận dựa trên giấy tờ có sự chứng minh của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Khi chuyển giao loại tài sản này, để chứng minh mình là người có quyền đối với tài sản đó, chủ thể cần phải đăng ký chuyển giao quyền sở hữu. Mặc dù chưa chuyển giao tài sản nhưng đã đăng ký quyền sở hữu thì cũng xem như hợp đồng tặng cho đã phát sinh hiệu lực. Quy định này nhằm bảo vệ lợi ích cho bên tặng cho. Thông thường bên tặng cho thường giao tài sản cho bên được tặng cho, cho họ quyền được sử dụng, chiếm hữu tài sản đó nhưng lại chưa chuyển quyền sở hữu, nhằm ràng buộc trách nhiệm của họ, và bảo vệ quyền cho mình.
Quyền và nghĩa vụ của bên tặng cho:
Bên tặng cho là người có tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Khi tặng cho, bên tặng cho có nghĩa vụ thông báo về khuyết tật của tài sản tặng cho để tạo điều kiện cho bên được tặng cho sử dụng tài sản một cách tốt nhất, lường được trước những hậu quả khi sử dụng tài sản được tặng cho, tránh được những thiệt hại có thể xảy ra.
Trường hợp bên tặng cho đưa ra điều kiện trước khi giao tài sản hoặc sau khi giao tài sản thì điều kiện đó phải có thể thực hiện được và không trái với pháp luật, đạo đức xã hội. Nếu điều kiện phải thực hiện là một nghĩa vụ trước khi giao tài sản mà sau khi bên được tặng cho thực hiện xong điều kiện đó thì bên tặng cho phải chuyển giao tài sản tặng cho. Nếu bên tặng cho không giao tài sản thì phải bồi thường những chi phí, công sức mà bên được tặng cho đã thực hiện hoặc chi phí đã bỏ ra.
Trường hợp bên được tặng cho phải thực hiện điều kiện sau khi được tặng cho mà không thực hiện điều kiện đó, phải hoàn trả tài sản tặng cho mà mình đã nhận (Điều 462 Bộ luật dân sự năm 2015). Thời điểm chấm dứt hợp đồng tặng cho ttong Trường hợp này được xác định khi bên được tặng cho thực hiện xong điều kiện của hợp đồng.
Quyền và nghĩa vụ của bên được tặng cho:
Sau khi thoả thuận xong về nội dung cơ bản của hợp đồng tặng cho, bên được tặng cho có quyền nhận hoặc không nhận tài sản tặng cho. Việc tặng cho bất động sản phải lập thành văn bản có chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu tài sản đăng kí quyền sở hữu thì người được tặng cho phải đăng kí tại cơ quan có thẩm quyền.
Đối với tặng cho động sản, trước khi tặng cho, các bên dù thoả thuận, bên được tặng cho đã đồng ý nhận tài sản nhưng sau khi lập hợp đồng, bên được tặng cho có quyền từ chối nhận tài sản vì hợp đồng chưa có giá trị pháp lý. Trong khi thực hiện hợp đồng, bên được tặng cho vẫn có quyền không nhận tài sản. Hợp đồng tặng cho chấm dứt khi bên được tặng cho nhận tài sản.
Đối với tặng cho bất động sản mà hợp đồng đã được lập thành văn bản có chứng thực, chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tài sản chưa được chuyển giao mà bên tặng cho chết thì hợp đồng chấm dứt, bởi vì chỉ có bên tặng cho mới có quyền chuyển giao tài sản.
Có trường hợp tặng cho bất động sản phải đăng kí, hợp đồng đã được công chứng, chứng thực, các bên đã thực hiện hợp đồng, bên tặng cho đã chuyển giao tài sản mà bên tặng cho chết và bên được tặng cho đã nhận tài sản nhưng chưa kịp làm thủ tục trước bạ sang tên. Nếu xét về bản chất của sự việc thì các bên đã thực hiện xong quyền và nghĩa vụ của mình. Tuy vậy, về pháp lí, việc đăng ký là một thủ tục để Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu cho bên được tặng cho. Do vậy, bên được tặng cho chưa có quyền sở hữu tài sản tặng cho, vì hợp đồng chưa có hiệu lực (Điều 459 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tặng cho tài sản có điều kiện. Đối với hợp đồng tặng cho có điều kiện thì bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc một số nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho. Tuy nhiên, điều kiện mà bên tặng cho đưa ra không được trái pháp luật và đạo đức xã hội.Nếu một người phải thực hiện nghĩa vụ trước khi được tặng cho mà người này đã hoàn thành nghĩa vụ theo yêu cầu nhưng bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản. Nếu người được tặng cho không thể trả lại tài sản tặng cho do tài sản đã bị tiêu huỷ, hư hỏng thì phải bồi thường thiệt hại.
Điều 458. Tặng cho động sản
1. Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338